Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy hạ tầng giao thông ĐBSCL

12:00 | 16/10/2024

Sáng 16/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy
phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các đồng chí bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy các địa phương vùng ĐBSCL; lãnh đạo TPHCM, tỉnh Bình Dương; các doanh nghiệp, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần đi kiểm tra và làm việc trực tiếp với các bộ, ngành địa phương. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhiều lần kiểm tra, họp và chỉ đạo giải quyết các vướng mắc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng ĐBCSL nói riêng.

ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

Những hạn chế về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí logistics, chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, hạn chế việc tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực này.

Thủ tướng nhắc lại gần đây nhất, cách đây 3 tháng, ngày 12 và 13/7/2024, ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trực tiếp kiểm tra, đánh giá tại hiện trường và tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Hội nghị lần này được tiếp tục tổ chức để đánh giá tình hình triển khai các công việc, chỉ ra những việc đã làm tốt, rút ra các kinh nghiệm quý, bài học hay để tiếp tục làm.

Đồng thời, nhận diện những khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, thủ tục, vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai trên thực địa của các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, từ đó kịp thời tháo gỡ ngay, không để trì trệ, kéo dài.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vướng mắc ở khâu nào thì tháo gỡ ở khâu đó, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, thúc đẩy triển khai các dự án, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Thủ tướng cho biết, thực hiện yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ đang đề xuất sửa đổi các luật theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin cho, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố cũng cần ủng hộ tinh thần này; các bộ, ngành chỉ tập trung vào công tác quản lý nhà nước (như xây dựng kế hoạch, chương trình, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch; thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát đầu ra…).

Nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông tại ĐBSCL trong bối cảnh nhân dân trông đợi, yêu cầu phát triển cao, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT báo cáo rõ tình hình triển khai các dự án; Bộ TN&MT báo cáo rõ về tình hình vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi…); Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo về tình hình cân đối, bố trí vốn; các địa phương thiếu vật liệu san lấp báo cáo việc đến nay còn khó khăn không; các địa phương có nguồn vật liệu san lấp (Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre…) báo cáo rõ việc cung ứng cho các dự án; các ban quản lý, nhà thầu, tư vấn báo cáo rõ còn có vướng mắc gì không, cần giải pháp gì…

Thủ tướng yêu cầu, ngoài các dự án đường bộ, cần tiếp tục bàn các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các dự án các sân bay, bến cảng… cho vùng ĐBSCL.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025.

"Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay", Thủ tướng nêu rõ.

106.000 tỷ đồng cho 9 dự án trọng điểm tại ĐBSCL

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.

Các dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau; (2) Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần; (3) Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu gồm 2 dự án thành phần; (4) Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; (5) Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; (6) Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; (7) Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; (8) Dự án cầu Rạch Miễu 2; (9) Dự án cầu Đại Ngãi.

Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km và 2 dự án cầu, đường bộ.

Trong đó, 4 dự án cao tốc gồm: (i) 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (ii) dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; (iii) dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; (iv) dự án thành phần 1 Cao Lãnh-An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào 2027 nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ.

Còn 2 dự án cầu, đường bộ: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận (đường Hồ Chí Minh) theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất mũi Cà Mau và Dự án cầu Rạch Miễu 2.

Trong khi đó, dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh-An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và Dự án cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85) hoàn thành năm 2027.

Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, song vẫn chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (vào tháng 9/2024). Dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt 99,9%; dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đạt 99%; dự án Cao Lãnh-An Hữu đạt 98,5%; dự án cầu Đại Ngãi 99,5%. Riêng dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua Cần Thơ).

Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo hoàn thành các dự án theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL (riêng dự án Cần Thơ-Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực).

Vốn bố trí cho các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Riêng dự án thành phần 1 dự án Cao Lãnh-An Hữu cần bổ sung thêm 250 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp đang cân đối nguồn vốn của địa phương; dự án cầu Rạch Miễu 2 cần bổ sung thêm 1.192 tỷ đồng vào nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính giải quyết.

Tiến độ giải ngân vốn năm 2024 của các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu (đạt từ 75%-98%), riêng dự án thành phần 3 (Hậu Giang) và dự án thành phần 4 (Sóc Trăng) thuộc Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng còn thấp hơn so với mặt bằng chung.

Theo Bộ GTVT, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu (cát đắp, cấp phối đá dăm), đồng thời công tác chỉ đạo điều hành của các chủ đầu tư cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công.

Với sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tích cực rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3/ nhu cầu 65 triệu m3. Để bảo đảm nguồn cung vật liệu cát đáp ứng tiến độ các dự án, căn cứ vào trữ lượng cát của các địa phương trong vùng, kế hoạch triển khai và nhu cầu cát của từng dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát và chỉ đạo hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ vào cuối tháng 8/2024.

Các địa phương đã nỗ lực triển khai thủ tục cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.



Hà Văn

Theo VGP

undefined