chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam-Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn chung, vươn tới các mục tiêu chiến lược mới
12:00 | 02/08/2024
Chiều 1/8, tại New Delhi, trong chương trình thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Hội đồng Các vấn đề thế giới của Ấn Độ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam-Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn chung, vươn tới các mục tiêu chiến lược mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự sự kiện có đông đảo các đại biểu thuộc chính giới, các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên Ấn Độ.
Thành lập năm 1943, Hội đồng Các vấn đề thế giới (ICWA) là nơi tiên phong trong việc định hình tầm nhìn đối ngoại của Ấn Độ suốt hơn 7 thập kỷ qua, với nhiều sáng kiến, ý tưởng về đối ngoại của Ấn Độ đã được khởi xướng, đóng góp tích cực cho hòa bình và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Trụ sở ICWA cũng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, nổi bật là Hội nghị Quan hệ châu Á lần thứ nhất năm 1947, đặt nền móng cho sự ra đời của Phong trào Không liên kết (NAM) sau này. Các nước trong phong trào này đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ấn Độ - nguồn cảm hứng to lớn với Việt Nam
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam bày tỏ cảm ơn chân thành về tình cảm và sự sẻ chia sâu sắc mà các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nhân dân Ấn Độ đã gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Việt Nam và gia đình trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Việt Nam và là một người bạn lớn, thân thiết, chân thành, cởi mở trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ. Đây chính là hiện thân của tình đoàn kết mạnh mẽ và hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước, hai dân tộc.
Thủ tướng bày tỏ, đến với Ấn Độ trong chuyến thăm này đã được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc về những thành tựu vĩ đại của nền văn minh sông Hằng và sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ ngày nay.
Khẳng định Ấn Độ là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, Thủ tướng nhắc tới những di sản lớn lao mà người Ấn Độ cổ đại đã để lại cho nhân loại, như ngôi đền Taj Mahal, con số "0" và số thập phân, cùng hai bộ Sử thi Ramayana và Mahabharata.
Cùng với đó là tư tưởng "Thống nhất trong đa dạng" đã làm nên bản sắc của Ấn Độ, như nhà lãnh đạo kiệt xuất Jawaharlal Nehru đã từng nói "Ấn Độ tự thân là một thế giới - nơi hội tụ những đa dạng vĩ đại và tương phản vĩ đại".
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng trước kỳ tích của một dân tộc đã vượt qua "thời khắc định mệnh", "bước qua ngã rẽ để viết nên những trang sử mới", trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và đang vươn lên thành một "cực" quan trọng trong thế giới đa cực đang được định hình.
Thủ tướng nhắc lại, cách đây 66 năm, trong chuyến thăm lịch sử đến Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cha già dân tộc, người Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hoá thế giới của Việt Nam đã khẳng định "Ấn Độ là một nước độc lập, hùng mạnh, đã có nhiều cống hiến quý báu cho hòa bình châu Á và thế giới", và "sự thành công của Ấn Độ trong xây dựng đất nước là nguồn cảm hứng to lớn đối với Việt Nam".
Theo Thủ tướng, những nhận định đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và sẽ còn giá trị mãi mãi. Ngày nay, Ấn Độ đang phát huy vai trò ngày càng lớn hơn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới; tiếp tục là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nước, trong đó có Việt Nam trên bước đường phát triển của mình.
Với tinh thần đó, trong bài phát biểu chính sách, Thủ tướng dành thời gian chia sẻ với các đại biểu về 3 nội dung chính: (1) Tình hình thế giới và khu vực; (2) Chủ trương, đường lối, chính sách, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; (3) Tầm nhìn quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việt Nam và Ấn Độ cần cùng chia sẻ tầm nhìn chung
Thủ tướng đánh giá tình hình thế giới hiện nay đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ; về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh, về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng, về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.
Thủ tướng chỉ ra 6 cặp mâu thuẫn lớn của thế giới hiện nay: (i) Giữa chiến tranh và hòa bình; (ii) Giữa cạnh tranh và hợp tác; (iii) Giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; (iv) Giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; (v) Giữa phát triển và tụt hậu; (vi) Giữa tự chủ và phụ thuộc.
Cùng với đó, sự biến động sâu sắc, phức tạp của cục diện thế giới ngày nay còn thể hiện ở 4 đặc điểm lớn:
Thứ nhất, bất trắc và bất ổn của môi trường an ninh toàn cầu đang ở mức cao, xung đột cục bộ và xu hướng tăng cường vũ trang gia tăng phức tạp, như Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nói "Thế giới đang chia rẽ sâu sắc".
Thứ hai, kinh tế thế giới bước vào chu kỳ phát triển mới, công nghệ mới và đổi mới sáng tạo trở thành các nhân tố mang tính quyết định đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng còn nhiều rủi ro mang tính cấu trúc, như lạm phát, nợ công tăng cao; nguy cơ tái đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thứ ba, chủ nghĩa đa phương tiếp tục đóng vai trò then chốt song hiệu quả hoạt động bị thách thức nghiêm trọng. Dịch bệnh COVID-19, các xung đột bùng phát thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế của các thể chế đa phương. Các nước đang phát triển đại diện 80% dân số thế giới và đóng góp hơn 40% GDP toàn cầu nhưng chưa có tiếng nói xứng tầm trong Liên Hợp Quốc. Nhiều thách thức toàn cầu mới nổi lên đòi hỏi có những phương thức quản trị mới và luật chơi mới.
Thứ tư, thế kỷ 21 là thế kỷ của Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương nhưng khu vực này cũng đứng trước những rủi ro, thách thức lớn từ các điểm nóng, xung đột cục bộ, cạnh tranh nước lớn.
Theo Thủ tướng, những vấn đề mang tính toàn cầu trên đây cần phải có tư duy toàn diện, tổng thể, đòi hỏi tất cả các nước, các thể chế đa phương hơn lúc nào hết phải kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng để tìm ra các giải pháp hữu hiệu mang tính toàn dân, toàn diện và toàn cầu.
Trong đó, mối quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ cần không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng, là đối tác chiến lược toàn diện của nhau, Việt Nam và Ấn Độ cần cùng chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, đa cực, đa trung tâm, "thống nhất trong đa dạng", ưu tiên đối thoại, hợp tác và các biện pháp hòa bình thay vì sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; cùng đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế, thay vì hành xử đơn phương và chủ nghĩa cường quyền, vị kỷ; cùng ủng hộ và nỗ lực cho một Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng và bao trùm, tự do và rộng mở; trong đó không một quốc gia nào, không một dân tộc nào, không một cộng đồng dân cư nào, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cho biết sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã hình thành được lý luận về đường lối đổi mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH, THÀNH TỰU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
Chia sẻ về các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, Thủ tướng cho biết sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã hình thành được lý luận về đường lối đổi mới, đó là kết tinh của nhận thức, ý chí, nguyện vọng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; thể hiện qua các nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội, các nghị quyết của Trung ương và đã được khái quát, hệ thống hóa trong những tác phẩm, công trình lý luận lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những thành tựu đạt được trong thực tiễn đã khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm của Việt Nam dựa trên 3 nền tảng chính: (1) Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; (2) Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (3) Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; với quan điểm xuyên suốt là: Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Sau khi phân tích 6 chính sách trọng tâm của Việt Nam về đối ngoại, quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng Đảng và phòng chống tham những, tiêu cực, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, Thủ tướng nêu rõ các thành tựu nổi bật của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó hơn 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và tương đương. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam ngày nay là nước đang phát triển có thu nhập trung bình; một trong 35 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; thuộc top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD (2023), tăng gần 60 lần so với thời điểm bắt đầu Đổi mới.
Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát khoảng 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
An sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo Thủ tướng, với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo. Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng khái quát những bài học kinh nghiệm quý báu của Việt Nam: Không có gì quý hơn độc lập, tự do: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhân dân làm nên lịch sử: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đoàn kết là sức mạnh vô địch: Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam, có thể đúc kết: "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".
Về tầm nhìn, định hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm mục tiêu tổng quát, là động lực phấn đấu. Xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2030: trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Việt Nam tiếp tục xác định rõ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và cần bám sát thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 6 lĩnh vực trọng tâm.
Theo đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn...); huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TẦM NHÌN VÀ TRIỂN VỌNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VIỆT NAM-ẤN ĐỘ
Theo Thủ tướng, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ đã đi qua chặng đường hơn nửa thế kỷ nhưng mối giao lưu mật thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ đã bắt nguồn từ hơn 2.000 năm trước, khi các tăng sĩ và thương nhân người Ấn Độ đưa Phật giáo đến Việt Nam.
Những tư tưởng bình đẳng, bác ái, vô ngã, vị tha của Phật giáo đã theo đó trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, sự giao thoa giữa hai nền văn hóa in đậm dấu ấn ở các tháp Chàm cổ kính ở miền Trung Việt Nam, trong đó có Thánh địa Mỹ Sơn, nơi ngày nay đã trở thành Di sản Văn hóa thế giới. Cộng đồng người Ấn Độ ở miền Nam Việt Nam xuất hiện từ đầu thế kỷ 19 đã trở thành một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Không chỉ khởi nguồn từ những giá trị tương đồng, sâu sắc về văn hóa, Việt Nam và Ấn Độ còn đến với nhau từ sự đồng cảm, ủng hộ và cùng chia sẻ những ý tưởng chung trên con đường đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc.
Năm 1946, thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên được thành lập với niềm tin: "Sợi dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta". Cách đây 70 năm, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Việt Nam, ngay khi Thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng (tháng 10/1954).
"Cho đến tận hôm nay, hình ảnh hàng triệu người dân Ấn Độ hô vang khẩu hiệu "Tên anh Việt Nam, tên tôi Việt Nam, tên chúng ta Việt Nam, Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ" sẽ mãi mãi là dấu ấn không phai mờ về sự ủng hộ trong sáng, vô tư, sư giúp đỡ chí nghĩa, chí tình mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam", Thủ tướng phát biểu.
Trải qua chặng đường lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Ấn Độ đã không ngừng phát triển toàn diện, thực chất. Ấn Độ là một trong ba Đối tác Chiến lược đầu tiên của Việt Nam (2007); việc hai nước xác lập khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện (2016) là dấu mốc lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ cho việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp hiện nay, cần phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau vươn tới các mục tiêu chiến lược mới.
Trên cơ sở đó, trong chuyến thăm lần này, hai Thủ tướng đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với phương hướng "Năm hơn", bao gồm: (1) Tin cậy chính trị-chiến lược cao hơn; (2) Hợp tác quốc phòng-an ninh sâu sắc hơn; (3) Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn; (4) Hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở và bao trùm hơn; (5) Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn.
Tham dự sự kiện có đông đảo các đại biểu thuộc chính giới, các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên Ấn Độ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để cụ thể hóa phương hướng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất một số ưu tiên sau:
Thứ nhất, củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ hai nước trong giai đoạn mới. Thủ tướng Modi đã nhiều lần nhấn mạnh "lòng tin chính là nền tảng cho sự phát triển". Lòng tin đó cần duy trì qua trao đổi và tiếp xúc cấp cao thường xuyên; tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh; triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết cấp cao trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện".
Thứ hai, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ, không gian phát triển của hai nước. Hai nước cần sớm xem xét đàm phán một thỏa thuận hợp tác kinh tế-thương mại mới; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam mong Ấn Độ sẽ có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhất là kết cấu hạ tầng, kết nối hàng không, hàng hải, năng lượng, dầu khí...
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc. Lãnh tụ Ấn Độ Gandhi từng nói: "Không có con đường nào dẫn đến hòa bình, hòa bình chính là con đường".
"Chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy hình thành một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, minh bạch, bình đẳng và khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, cân bằng, bao trùm, dựa trên luật pháp quốc tế, với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Chúng ta cũng sẽ hiện thực hóa tầm nhìn về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ chính sách "hành động hướng Đông" của Ấn Độ, cùng nhau nâng cao tiếng nói, vai trò của các nước đang phát triển", Thủ tướng khẳng định.
Thứ tư, chủ động đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức toàn cầu. Việt Nam ủng hộ và sẽ tham gia tích cực vào Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), góp phần nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, ổn định. Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác Mekong-sông Hằng, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của các nước tiểu vùng cũng như toàn khu vực.
Tham dự sự kiện có đông đảo các đại biểu thuộc chính giới, các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên Ấn Độ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ năm, cùng nhau đưa hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, kết nối địa phương, giao lưu nhân dân, du lịch trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển bền vững của hai nước. Thủ tướng mong muốn ICWA cũng như các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo của Ấn Độ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam, tăng cường nghiên cứu, trao đổi học thuật trong các lĩnh vực cùng quan tâm.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, phát huy các giá trị chung về tình đoàn kết, hữu nghị, sự tin cậy sâu sắc và những thành quả hợp tác thời gian qua, chúng ta tin tưởng vững chắc vào triển vọng tươi sáng của quan hệ hai nước. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sẽ tiếp tục "nở rộ dưới bầu trời thanh bình", như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ năm 1958, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Thủ tướng chúc ICWA tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong phát huy vai trò và vị thế quốc tế của Ấn Độ vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thay mặt ICWA và các thính giả, đại diện ICWA khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong Chính sách hướng Đông, là đối tác chủ chốt của tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ; cảm ơn, đánh giá cao những phát biểu, đúc kết tâm huyết, sâu sắc của Thủ tướng về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu.
Hà Văn
Theo VGP