Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thúc đẩy phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lai Châu

12:00 | 14/10/2024

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 gắn với các đề án, nghị quyết, kết luận, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Phiên chợ nông sản tỉnh Lai Châu. (Nguồn: TTXVN)

Nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh, đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công Thương, đã tạo điều kiện tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương. Qua đó, đã nâng tầm giá trị cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Lai Châu, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản. Một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã tạo được thị trường ổn định ở trong nước, tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại, như: Siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử… và xuất khẩu sang thị trường một số nước.

Theo Lãnh đạo Sở Công thương, hiện Lai Châu đang có sự phát triển không đồng đều giữa các huyện, xã, nhiều nơi đất rộng người thưa, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, việc tiếp cận công nghệ tiên tiến còn hạn chế, trình độ dân trí chưa cao, kết cấu hạ tầng thương mại quy mô nhỏ nên hoạt động giao lưu hàng hóa tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa sôi động. Mặt khác, công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại cho các xã vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc ban hành và thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh và với các vùng miền khác, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng.

Những năm qua, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị xây dựng được một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đa dạng hóa các chương trình, dự án, một số loại hình hạ tầng thương mại đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác thương mại được nâng lên, những người trực tiếp kinh doanh cũng từng bước tiếp cận kiến thức, nắm bắt kịp xu hướng và những đòi hỏi về kỹ năng phát triển thương mại để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, Sở còn tăng cường kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, chương trình kết nối giao thương giữa Lai Châu với thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành trên cả nước; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng tham gia các chuỗi cung ứng thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử lớn nhằm tăng khả năng tiếp cận các thị trường, kích ứng tiêu thụ sản phẩm.

Lai Châu có điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng sẽ tạo nên các sản phẩm mang nét riêng với giá trị độc đáo, khác biệt với những vùng miền khác. Với các sản phẩm nông - lâm sản chủ lực như gạo, chè, mật ong, nấm đông trùng hạ thảo… cùng với đa dạng sản phẩm OCOP, Lai Châu có thể tận dụng lợi thế này để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, chỉ cần các sản phẩm của bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản; chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm là doanh số thương mại có cơ hội tăng nhanh.

Sản phẩm ớt trung đoàn OCOP 3 sao được trưng bày, quảng bá tại Hà Nội.

Trên cơ sở định hướng của kế hoạch triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, ngành Công thương Lai Châu sẽ chủ động triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị Co.op Mart, WinMart và một số siêu thị bán lẻ tại các tỉnh, thành khác sẽ được chú trọng triển khai.

Cùng với phát triển thương mại trong nước, hoạt động thương mại biên giới vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những động lực quan trọng để thu hút đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh Lai Châu. Thời gian qua, việc đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con đồng bào dân tộc miền núi được địa phương đặc biệt chú trọng. Trong đó công tác xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng tạo đòn bẩy, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của các địa phương, đặc biệt là bà con vùng dân tộc.

Thực hiện Chương trình phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu, sở Công thương cũng đã phối hợp với các sở, UBND các huyện và thành phố nhằm tập trung tiêu thụ cũng như hỗ trợ sản xuất các mặt hàng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Công thương đã thông qua chương trình tổ chức các tuần hàng tại Hà Nội và Hải Phòng để quảng bá giới thiệu các sản phẩm của đồng bào DTTS tới người tiêu dùng.


Uyên Linh

 

undefined