Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Vĩ mô bất lợi, chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam có thể chậm lại

12:00 | 19/07/2023

Theo các nhà phân tích, cách tiếp cận mới của NHNN xuất phát từ những lo ngại lớn hơn xung quanh sự yếu đi của tiền đồng và rủi ro phát sinh từ lãi suất huy động thấp.

Sau bốn lần cắt giảm lãi suất liên tiếp từ đầu tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể đưa ra các chính sách chậm lại, Bloomberg thông tin.

Theo các nhà phân tích, cách tiếp cận mới của NHNN xuất phát từ những lo ngại lớn hơn xung quanh sự yếu đi của tiền đồng và rủi ro phát sinh từ lãi suất huy động thấp.

Trái ngược với các đồng tiền châu Á đồng loạt tăng giá, tiền đồng của Việt Nam đã mất 0,2% giá trị so với đồng USD trong tháng qua, do các nhà giao dịch cân nhắc nguy cơ ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất nhiều hơn.

Một đồng nội tệ yếu hơn khiến Việt Nam phải đối mặt với lạm phát nhập khẩu. Lợi nhuận từ xuất khẩu, vốn chiếm 90% nền kinh tế, cũng bị hạn chế do nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm.

“Việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến tiền đồng và khiến nó suy yếu hơn nữa. NHNN cũng phải rất lưu ý về điều đó”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết.

Lãi suất thấp hơn cũng đang thúc đẩy dòng tiền chảy ra khỏi Việt Nam trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ vẫn theo quan điểm diều hâu, trong khi các lựa chọn của NHNN - ngân hàng đầu tiên trong số 13 ngân hàng trung ương lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương cắt giảm lãi suất trong năm nay, giờ đây cũng đang bị hạn chế.

“Thực sự ngân hàng trung ương không thể làm gì nhiều lúc này. Lãi suất tiền gửi đã khá thấp, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể khiến người gửi tiền rút tiền ra khỏi ngân hàng, khiến các ngân hàng gặp rủi ro về thanh khoản”, Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.

Mặc dù nhu cầu toàn cầu yếu và những thách thức về tăng trưởng trong nước có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của Việt Nam trong năm nay, nhưng ngân hàng trung ương cũng phải cân nhắc những rủi ro phát sinh từ các chính sách tài khóa và tiền tệ lỏng lẻo hơn.

“Đồng Việt Nam đối mặt với nguy cơ cao bị giảm giá đột ngột và mạnh do những lo ngại bắt nguồn từ lĩnh vực ngân hàng, dự trữ thấp và lạm phát,” S&P Global Market Intelligence đưa ra cảnh báo trong một báo cáo mới đây.

Trong khi dư địa giảm lãi suất có thể hạn chế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tháng trước cho biết việc yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động để hạ lãi suất cho vay là một trong những phương án của NHNN. Nhà điều hành cũng xem xét hạn mức cho vay của các ngân hàng để họ có thể tăng giải ngân cho vay.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng BIDV, sẽ cần một thời gian để các động thái chính sách cho thấy tác động của nó. “Chúng ta không nên phụ thuộc vào chính sách cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương, nó phải kết hợp với các chính sách tài khóa”, ông Lực nói.


Trần Thúy

Theo Bizlive

undefined