Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) rất quan trọng của Việt Nam. Xuất khẩu NLTS Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2023 đạt 10,96 tỉ USD, chiếm 20,7 % tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam ra toàn thế giới, giảm 15,7% so với năm 2022. Một số sản phẩm có KNXK lớn sang thị trường Hoa Kỳ là: Gỗ và lâm sản đạt 7,58 tỷ USD (giảm 15,6%), thủy sản đạt 1,56 tỷ USD (giảm 27%), điều 885 triệu USD (tăng 5%).
chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Việt Nam, Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường nông sản
12:00 | 29/08/2024
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thứ trưởng Hoàng Trung và Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/8 đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Jason Hafemeister và đại diện các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của Thứ trưởng Hoàng Trung nhằm đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu; tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; và thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và đầu tư trong sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết: “Chúng ta đã có 8 loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và đây là loại thứ 9. Đến nay, các khâu về kỹ thuật đã được hai bên xử lý đúng theo quy định của mỗi bên và hy vọng trong thời gian sớm nhất, trái chanh leo của chúng ta sẽ xuất khẩu được sang thị trường Hoa Kỳ.
Liên quan tới vấn đề mở cửa thị trường, một loạt loại trái cây mà về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo hoàn thiện các hồ sơ kỹ thuật như chanh không hạt, mít, ổi. Đây là những loại trái cây mà theo đề xuất của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như cộng đồng người Việt của chúng ta rất mong muốn là các loại trái cây này sẽ được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc đàm phán mở cửa để các loại trái cây này sớm có mặt tại Hoa Kỳ.”
Tại buổi làm việc, hai Thứ trưởng cùng bày tỏ sự vui mừng khi quả đào/ xuân đào của Hoa Kỳ được phép xuất khẩu qua thị trường Việt Nam và hai bên đã đạt được những bước tiến quan trọng trong tiếp cận thị trường đối với một số loại trái cây khác của hai nước.
Cụ thể, hai Bên đã thống nhất về yêu cầu kỹ thuật đối với chanh dây của Việt Nam và tiến thêm một bước trong quy trình xem xét đối với quả quýt của Hoa Kỳ. Thứ trưởng Hafemeister cho biết, Hoa Kỳ chưa từng có quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy với bất kỳ đối tác nào tại khu vực; đồng thời cam kết sẽ củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác kỹ thuật, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý hai nước trong kiểm soát dịch hại, phân tích nguy cơ và nghiên cứu phát triển, áp dụng các sáng kiến mới, cải tiến giống cây trồng.
Để hỗ trợ việc duy trì đà tăng trưởng và thị phần của nông lâm thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ có tiếng nói thích hợp trong quá trình tham vấn liên quan đến các vụ việc về phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam, cụ thể là đối với gỗ, tôm nước ấm và mật ong của Việt Nam. Phía Hoa Kỳ ghi nhận vai trò thương mại của những mặt hàng đối với việc ổn định sinh kế cho người nông dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan đến việc áp dụng các biện pháp mới trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, hai Thứ trưởng đã trao đổi trên tinh thần hợp tác, cởi mở về hệ thống pháp quy hiện có; thống nhất với nguyên tắc chung về việc tuân thủ cam kết quốc tế thương mại đa phương mà hai nước là thành viên, phù hợp với pháp luật trong nước nhưng vẫn cập nhật kịp thời các xu thế mới trong thương mại, sản xuất và quản lý dịch bệnh đối với động thực vật. Phía Hoa Kỳ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án trong quản lý phân bón, thuốc bảo vệ sinh học và sản xuất lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai bên cũng đã chia sẻ quan điểm về phát triển nền sản xuất nông nghiệp xanh, có trách nhiệm với môi trường, chung tay đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, từ đó khẳng định sẽ tăng cường hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, đặc biệt là Sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (AIM4C) và Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG).