chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Xóa giấy chuyển tuyến BHYT sẽ triệt tiêu y tế cơ sở, vỡ trận ở bệnh viện chuyên sâu
12:00 | 26/10/2024
“Hai hậu quả trước mắt khi xóa bỏ giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu”, Thứ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội nhận định và nêu quan điểm, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến ở cấp ban đầu, cấp cơ bản, còn lên cấp chuyên sâu thì “bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến ở
cấp ban đầu, cấp cơ bản, còn lên cấp chuyên sâu “bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến”. Ảnh: P.Thắng
Nhận định nếu xóa bỏ giấy chuyển tuyến BHYT sẽ triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở bệnh viện chuyên sâu được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức (đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nêu ra khi phát biểu tại tổ góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT, chiều 24/10.
Bỏ giấy chuyển tuyến BHYT thì rất nguy hiểm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho hay, trước đây bệnh viện chia làm 4 tuyến: Xã, huyện, tỉnh, Trung ương.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định còn 3 cấp: Cấp ban đầu (tạm hiểu là trạm y tế xã), cấp cơ bản (bệnh viện huyện và một số bệnh viện tỉnh), cấp chuyên sâu (bệnh viện Trung ương, đa khoa chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh đủ dịch vụ kỹ thuật được công nhận).
Nhận định xu hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT là “chủ trương rất tốt, rất đúng”, nhưng ông Thức cho rằng không nên bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến trong BHYT, mà chỉ bỏ trong trường hợp khám chữa bệnh cấp ban đầu, cấp cơ bản. Còn từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.
“Mình cứ nghĩ giấy chuyển tuyến phiền phức nhưng nó rất cần thiết trong ngành y”, ông Thức nói, nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân sẽ không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng lên bệnh viện tuyến chuyên sâu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… Như vậy, chỉ 1-2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở.
Điều đó đồng nghĩa, sẽ đi ngược lại chủ trương phát triển, củng cố hệ thống y tế cơ sở. Trong khi, mùa dịch vừa rồi, chúng ta nói rất nhiều về vai trò của hệ thống y tế cơ sở.
“Bỏ giấy chuyển tuyến này đi thì rất nguy hiểm”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ông Thức cho biết thêm, một ca mổ đặc biệt có thể kéo dài 6-8 giờ đồng hồ. Một bác sĩ giỏi ở bệnh viện Trung ương một ngày chỉ mổ 1 ca như vậy. Các bệnh viện khống chế không cho mổ ca thứ 2, vì bệnh nhân bị mổ ca thứ 2 sẽ có nguy cơ tai biến cao.
Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ về tuyến chuyên sâu, với áp lực như vậy thì một bác sỹ không thể mổ 1 ngày một ca được. Các ca phẫu thuật loại 1, 2, 3 cũng vậy.
Thêm nữa, 1 bác sĩ mỗi ngày khám khoảng 20 bệnh nhân, giờ khoảng 200 bệnh nhân ngồi chờ thì không bác sĩ nào khám nổi. “Lúc đó sẽ vỡ trận”, theo ông Thức.
“Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu. Đó là điều chắc chắn ai cũng thấy hết”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định và nhắc lại quan điểm, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến ở cấp ban đầu, cấp cơ bản, còn lên cấp chuyên sâu thì “bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến”.
“Giấy chuyển tuyến này có vai trò rất quan trọng, là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu, ông Tri Thức nói thêm.
Điều 22 dự thảo luật sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.
Lo sẽ hình sự hóa hàng loạt vụ chậm đóng, trốn đóng BHYT
Ở vấn đề khác, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) lại lo lắng về quy định chậm đóng, trốn đóng BHYT trong dự thảo luật.
Cho rằng, quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT là cần thiết, song theo bà Hiền, phải nghiên cứu kỹ hơn để tương đồng với Luật Bảo hiểm xã hội về trốn đóng bảo hiểm xã hội.
“Quy định như dự thảo luật hiện nay chưa thực sự chặt chẽ và dễ dẫn đến việc có thể sẽ ngay lập tức hình sự hóa hàng loạt, điều này không ổn, nhất là đối với người sử dụng lao động”, bà Hiền nói.
Theo đại biểu, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở quy định rất rõ quy trình đăng ký tham gia để quy định các hành vi liên quan đến các mốc thời gian đăng ký; đồng thời những hành vi liên quan đến thời hạn đóng thì phải kèm theo điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định.
“Trong các trường hợp có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội”, bà Hiền nêu.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 49 theo hướng bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHYT chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHYT.
Dự thảo cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hành vi chậm đóng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng BHYT…
Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội cho rằng việc bổ sung quy định làm rõ khái niệm “chậm đóng BHYT”, “trốn đóng BHYT” và cụ thể hóa chế tài xử lý khi chậm đóng, trốn đóng BHYT là cần thiết, song cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động.
“Việc vận dụng quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội cần được tính toán kỹ và điều chỉnh phù hợp với lĩnh vực BHYT; bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc, thông tin, nhắc nhở các doanh nghiệp chậm đóng BHYT cho người lao động trước khi áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu.
Hương Giang
Theo Baothanhtra