Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Bầu cử Mỹ 2024: Tiền ở đâu mà nhiều thế?

12:00 | 05/11/2024

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang trên đà trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử hiện đại. Hàng tỷ USD đổ vào các chiến dịch tranh cử, nhưng tất cả số tiền này đến từ đâu?


Khi ông Joe Biden bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 6/2024 và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump, điều này đã kích hoạt một dòng tiền lớn chảy vào đảng Dân chủ.

Trong vòng 24h sau khi bà Harris tuyên bố ứng cử, 81 triệu USD đã tràn vào quỹ vận động tranh cử của bà.

Chiến dịch tranh cử của bà Harris đã lập một kỷ lục mới, thu về 1 tỷ USD chỉ trong ba tháng, gấp 3 lần so với số tiền mà quỹ vận động tranh cử của ông Trump thu được. Bà bước vào tháng 10/2024 với lợi thế tiền mặt lớn hơn ông Trump. Bà Harris cũng đã vượt qua đối thủ của mình trong cuộc chiến giành các nhà tài trợ nhỏ.

Dù vậy, ông Trump vẫn có nhiều tiền. Ông đã huy động được 160 triệu USD vào tháng 9/2024.

Tại một sự kiện vào tháng 6/2024, cựu Tổng thống này đã bỏ túi 50 triệu USD sau khi phát biểu trước các nhà tài trợ trong khoảng 45 phút. Và nhờ có lực lượng ủng hộ trung thành, khi bị kết tội làm giả hồ sơ kinh doanh vào tháng 5, ông Trump đã sử dụng bản án của mình để huy động được 52,8 triệu USD trong khoảng 24 giờ.

Tính đến giữa tháng 10/2024, các ứng cử viên và nhóm đồng minh huy động được tổng cộng hơn 3,8 tỷ USD. Trong đó, các nhóm ủng hộ Tổng thống Biden và bà Harris huy động được 2,2 tỷ USD, nhiều hơn so với mức 1,7 tỷ USD của nhóm ông Trump.

Phân tích do tổ chức Americans for Tax Fairness công bố mới đây cho thấy, sở dĩ các quỹ vận động tranh cử thu về số tiền “khủng” như vậy một mặt là nhờ 150 gia đình giàu có nhất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đổ gần 1,9 tỷ USD vào chiến dịch tranh cử năm nay.

Con số này tăng mạnh so với con số 1,2 tỷ USD mà họ đóng góp chiến dịch tranh cử hồi năm 2020.

Bật mí các quy định về tài trợ

Ở Mỹ, tài trợ chiến dịch được quản lý bởi một loạt luật, nhằm mục đích ngăn ngừa tham nhũng đồng thời thúc đẩy tính minh bạch. Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) thực thi các quy tắc này.

Cá nhân, tổ chức và công ty có thể đóng góp cho các chiến dịch chính trị, nhưng có giới hạn về số tiền họ có thể đóng góp trực tiếp cho các ứng cử viên.

Cá nhân thường đóng góp phần lớn quỹ vận động tranh cử của bất kỳ ứng cử viên nào.

Những nhà tài trợ giàu có hơn có xu hướng đóng góp nhiều hơn. Về mặt pháp lý, cá nhân có thể quyên góp tới 3.300 USD cho mỗi ứng cử viên và cho mỗi cuộc bầu cử trong năm 2024.

Cả hai đảng đều có các ủy ban cấp liên bang và cấp tiểu bang cũng gây quỹ. Các ứng cử viên cũng có thể tự tài trợ, như ông Trump đã từng làm điều này. Ông đã tự chi tiền túi để chạy đua vào Nhà Trắng, với 66 triệu USD trong cuộc đua năm 2016.

Trước đó, tỷ phú Ross Perot đã quyên góp 60 triệu USD cho chiến dịch tranh cử độc lập năm 1992, đạt 19% phiếu phổ thông.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ năm 2020, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã chi 1,1 tỷ USD, trong khi nhà quản lý quỹ Tom Steyer đầu tư 342 triệu USD cho chiến dịch của mình.

Siêu PAC là gì?

Trong các cuộc bầu cử Mỹ, các Ủy ban hành động chính trị (PAC) và các siêu PAC, đóng vai trò to lớn.

PAC tập hợp các khoản đóng góp từ các thành viên và quyên góp cho các chiến dịch, với giới hạn là 5.000 USD/ứng cử viên mỗi năm. PAC thường đại diện cho các ngành công nghiệp như dầu mỏ, hàng không vũ trụ hoặc tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu...

Trong khi đó, các siêu PAC sẽ là các khoản đóng góp bởi các cá nhân, công đoàn và tập đoàn. Không giống như PAC, các siêu PAC có thể quyên góp số tiền không giới hạn cho các tổ chức độc lập, có liên hệ với ứng cử viên.

Và sự tự do đó cho phép những người giàu có bơm nhiều tiền tùy thích để ủng hộ ứng cử viên mà họ ưa thích.

Niềm tin công chúng lung lay

Sức ảnh hưởng quá lớn của nguồn tài trợ đã khiến niềm tin của công chúng vào nền chính trị dân chủ Mỹ sụt giảm nghiêm trọng.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, niềm tin của người Mỹ vào chính phủ đã sụt giảm mạnh từ 52% năm 1972 xuống còn 22% vào tháng 4/2024.

Elon Musk - tỷ phú công nghệ và là người giàu nhất thế giới - là người ủng hộ ông Trump.

Hồi tháng 7/2024, ông dự định quyên góp khoảng 45 triệu USD mỗi tháng cho America PAC - một siêu PAC ủng hộ cựu Tổng thống Trump mà ông thành lập.

Những nỗ lực gây quỹ của ông Musk - tập trung vào việc đăng ký cử tri và bỏ phiếu sớm tại các tiểu bang chiến trường - đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ.

Trong khi đó, tỷ phú Miriam Adelson đã quyên góp 95 triệu USD cho một siêu PAC khác ủng hộ ông Trump.

Sự gia tăng của “tiền đen” - các khoản đóng góp không bắt buộc phải tiết lộ người quyên góp - cũng khiến việc đạt được tính minh bạch trở nên khó khăn hơn.

Tổ chức phi lợi nhuận OpenSecrets đã báo cáo về “sự gia tăng chưa từng có” của "tiền đen" trong chu kỳ năm 2023 và năm 2024, có thể vượt quá 660 triệu USD từ các nguồn không xác định.

Năm 2022, Tổng thống Biden gọi "tiền đen" tối là mối đe dọa "nghiêm trọng" đối với nền dân chủ và thúc giục Quốc hội thông qua dự luật tài chính tranh cử yêu cầu các nhóm chính trị tiết lộ các nhà tài trợ lớn.

Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã chặn dự luật nói trên.

Điều quan trọng nhất không phải là tiền

Câu hỏi đặt ra rằng, liệu dòng tiền khổng lồ đến từ các siêu PAC của các tỷ phú có quyết định kết quả cuộc bầu cử 2024 hay không?

Việc dòng tiền của giới tỷ phú Mỹ góp phần tạo nên thành công cho một ứng cử viên là điều không thể phủ nhận. Do kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thường phụ thuộc vào một số bang chiến trường, nên việc các tỷ phú "bơm tiền" vào những bang như vậy để huy động cử tri sẽ giúp ích cho ứng viên Tổng thống mà họ ưa thích.

Nhắc lại siêu PAC - America PAC - của tỷ phú Elon Musk. America PAC đang tập trung vận động cử tri ở các bang chiến trường có thể quyết định kết quả bầu cử. America PAC đã chi nhiều tiền cho các quảng cáo và nhân viên để gõ cửa từng nhà khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu ủng hộ ông Trump.

Dù vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện có khoảng 800 tỷ phú USD, nhưng có tới khoảng 244 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay.

Câu trả lời có lẽ đã được trang phân tích chính trị Common Dreams của Mỹ nhấn mạnh: “Bất kể số tiền mà giới siêu giàu bỏ vào quá trình này, dù là minh bạch hay 'tiền đen', kết quả vẫn do các cử tri quyết định”.


Linh Chi

Theo Baoquocte

undefined

Các tin khác

Chuyên gia: Trung Quốc sẽ tìm thấy động lực tăng trưởng mới trước rủi ro bị ông Trump áp thuế quan (18/11) Đặt mục tiêu 4.900 USD vào năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang được đánh giá ra sao trong khu vực? (15/11) Nhật Bản tái thiết ngành công nghiệp chip nhớ: 10 năm tới sẽ thu hút 325 tỷ USD, đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh số, Mỹ, Anh đều muốn rót tiền (15/11) Có thể trở thành thành viên của Nội các chính phủ Mỹ, Elon Musk được so sánh với nhà ngoại giao nổi tiếng với khả năng 'hàn gắn' quan hệ Mỹ - Trung (13/11) Lợi dụng lỗ hổng trừng phạt của châu Âu với Nga, một quốc gia châu Á đang hưởng lợi chưa từng có, trở thành nhà cung cấp lớn sản phẩm dầu mỏ nhất cho EU (13/11) Đồng nhân dân tệ đương đầu áp lực mất giá mạnh sau bầu cử Mỹ (13/11) Ông Trump chọn tỷ phú Elon Musk đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ (13/11) Hậu bầu cử Mỹ: Một đề xuất của ông Trump khiến Đông Nam Á 'run rẩy', lợi ích lớn bất ngờ (12/11) Sếp lớn ngành năng lượng: Châu Âu sẽ không thể vượt qua mùa đông lạnh giá nếu thiếu khí đốt Nga, một số nước phải quay lại sử dụng than (11/11) Hướng đi của kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ ông Donald Trump (11/11)