Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Kinh tế Đức ngày càng yếu

12:00 | 09/10/2024

Nếu dự báo mới trở thành hiện thực, năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy giảm...

Theo dự báo mới cập nhật của Chính phủ Đức, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này sẽ giảm 0,2% trong năm nay - người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho hay. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck cũng thừa nhận nền kinh tế đang trên đà suy yếu.

Trước lần cập nhật này, Chính phủ Đức dự báo mức tăng trưởng kinh tế 0,3% cho năm nay. Nếu dự báo mới trở thành hiện thực, năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy giảm. Năm ngoái, Đức là một trong những nền kinh tế đuối nhất ở khu vực eurozone và là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng âm, ghi nhận mức giảm 0,3%.

Hồi cuối tháng 9, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2024, với mức dự báo chung được đưa ra là nền kinh tế sẽ giảm 0,1% trong năm nay. Trong dự báo của mình, Bộ Kinh tế Đức gộp cả dự báo của các viện nghiên cứu này - gồm Ifo, DIW, IWH, IfW và RWI.

Về năm 2025, nền kinh tế Đức được dự báo sẽ khởi sắc, đạt mức tăng trưởng 1,1% - theo dự báo mới nhất của Chính phủ.

Dự kiến, toàn bộ dự báo kinh tế mùa thu sẽ được Bộ Kinh tế Đức công bố chính thức vào ngày 9/10. Tuy nhiên, con số dự báo về GDP đã được người phát ngôn của bộ này tiết lộ với báo giới vào ngày 7/10. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Habeck thừa nhận các số liệu kinh tế đang được điều chỉnh theo chiều hướng giảm.

Ông Habeck nói rằng sáng kiến tăng trưởng Chính phủ liên minh sẽ mang lại một cú huých cần thiết cho nền kinh tế, nhưng đề xuất này vẫn cần có sự thông qua của Quốc hội.

“Sáng kiến tăng trưởng của Chính phủ là một trong những bước đi đầu tiên để đưa nền kinh tế hồi phục, nhưng chúng tôi cần phải xây dựng sáng kiến đã”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner nói ngày 7/10. “Nền kinh tế Đức đang dò dẫm bước đi. Chúng ta không thể thỏa mãn với sự phát triển kinh tế như hiện nay. Chúng ta đang trải qua một sự thay đổi mang tính cơ cấu đi kèm với mất mát năng lực cạnh tranh”.

Những năm gần đây, kinh tế Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, những thay đổi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc và giá năng lượng tăng cao.

Đầu năm nay, giới quan sát kỳ vọng lạm phát xuống thang và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu giảm lãi suất sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế khu vực eurozone nói chung và Đức nói riêng. Nhưng trong những tháng gần đây, kỳ vọng này đã gần như không còn do nhu cầu trong và ngoài nước vẫn còn yếu.

Nhằm giải quyết những thách thức kinh tế hiện nay, sáng kiến tăng trưởng của Chính phủ Đức bao gồm các quy định mới về giảm thuế cho các công ty. Tuy nhiên, nội các nước này chưa hoàn thiện được tất cả các biện pháp trong sáng kiến. Chưa kể, một số quy định - như ưu đãi thuế cho lao động nhập cư trình độ cao - cũng gây tranh cãi và có thể vấp phải sự phản đối trong Quốc hội vì sẽ dẫn tới nguồn thu ngân sách từ thuế thấp hơn đối với các tiểu bang.

Trong một dấu hiệu đang lo ngại nữa về kinh tế Đức, cơ quan thống kê quốc gia Destatis hôm 7/10 cho biết lượng đơn hàng mà các nhà máy ở nước này nhận được trong tháng 8 đã giảm mạnh và doanh thu bán hàng của ngành công nghiệp ô tô cũng giảm.

Trong đó, lượng đơn hàng của các nhà máy trong tháng 8 giảm 5,8% sau khi tăng 3,9% trong tháng 7. Mức giảm này của lượng đơn hàng vượt xa mức dự báo giảm 1,9% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời là mức giảm mạnh nhất kể từ cú giảm 10,9% ghi nhận trong tháng 1.

Doanh thu của ngành công nghiệp ô tô Đức giảm 4,7% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, còn 269,5 tỷ euro, tương đương 296 tỷ USD.

Cùng với đó, Hiệp hội Thương mại Đức (HDE) lên tiếng cảnh báo về sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng của hiệp hội đã giảm 4 tháng liên tiếp. Theo HDE, xu hướng của người tiêu dùng Đức hiện nay là tiếp tục tiết kiệm thay vì chi tiêu, và tiêu dùng yếu sẽ khiến nền kinh tế mất đà.

Tương tự, Viện Ifo có trụ sở ở Munich cho biết tâm lý trong ngành bán lẻ của Đức đã suy giảm mạnh. “Người tiêu dùng đang cảm thấy không yên tâm về môi trường chính sách kinh tế. Điều này báo hiệu không tốt cho tiêu dùng của khu vực tư nhân trong thời gian còn lại của năm 2024”, nhà kinh tế Patrick Hoppner nhận xét.


Bình Minh

Theo VnEconomy

undefined

Các tin khác

Chuyên gia: Trung Quốc sẽ tìm thấy động lực tăng trưởng mới trước rủi ro bị ông Trump áp thuế quan (18/11) Đặt mục tiêu 4.900 USD vào năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang được đánh giá ra sao trong khu vực? (15/11) Nhật Bản tái thiết ngành công nghiệp chip nhớ: 10 năm tới sẽ thu hút 325 tỷ USD, đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh số, Mỹ, Anh đều muốn rót tiền (15/11) Có thể trở thành thành viên của Nội các chính phủ Mỹ, Elon Musk được so sánh với nhà ngoại giao nổi tiếng với khả năng 'hàn gắn' quan hệ Mỹ - Trung (13/11) Lợi dụng lỗ hổng trừng phạt của châu Âu với Nga, một quốc gia châu Á đang hưởng lợi chưa từng có, trở thành nhà cung cấp lớn sản phẩm dầu mỏ nhất cho EU (13/11) Đồng nhân dân tệ đương đầu áp lực mất giá mạnh sau bầu cử Mỹ (13/11) Ông Trump chọn tỷ phú Elon Musk đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ (13/11) Hậu bầu cử Mỹ: Một đề xuất của ông Trump khiến Đông Nam Á 'run rẩy', lợi ích lớn bất ngờ (12/11) Sếp lớn ngành năng lượng: Châu Âu sẽ không thể vượt qua mùa đông lạnh giá nếu thiếu khí đốt Nga, một số nước phải quay lại sử dụng than (11/11) Hướng đi của kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ ông Donald Trump (11/11)