chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Quốc gia G7 duy nhất có thể suy thoái trong năm 2024: Ngành 'xương sống' của nền kinh tế chìm sâu trước cạnh tranh từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp phải bán mình cho nước ngoài
12:00 | 18/10/2024
Viện nghiên cứu ifo nhận định kinh tế Đức “đang mắc kẹt trong khủng hoảng”.
Những khó khăn của kinh tế Đức vẫn tiếp diễn khi nền kinh tế số 3 thế giới hiện đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái vào năm 2024.
Thứ Tư (16/10), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck dự báo kinh tế Đức có thể giảm 0,2% trong năm nay, giảm so với dự báo tăng trưởng 0,3% trước đó và đánh dấu năm thứ 2 suy giảm liên tiếp.
Triển vọng ảm đạm này khiến Đức trở thành nền kinh tế G7 duy nhất được dự báo có khả năng suy thoái vào năm 2024, sau khi giảm 0,3% trong năm 2023.
Khả năng suy thoái cho thấy những thách thức dai dẳng về mặt cơ cấu, bao gồm phụ thuộc vào sản xuất và những tác động tiêu cực của cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Những thách thức dai dẳng về mặt cấu trúc
Những khó khăn của kinh tế Đức được phản ánh qua dự báo ảm đạm từ Viện nghiên cứu kinh tế ifo.
Viện ifo cho rằng kinh tế Đức “đang mắc kẹt trong khủng hoảng”. Các yếu tố mang tính chu kỳ và cấu trúc đều đang ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tăng trưởng của Đức.
“Kinh tế Đức đang bị mắc kẹt và trì trệ, trong khi các nước khác đang phục hồi”, Giáo sư-Tiến sĩ Timo Wollmershäuser, Phó giám đốc Viện ifo cho biết.
Ông cho rằng tình trạng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm chính sách khử cacbon, số hóa, thay đổi nhân khẩu học và các biến động địa chính trị như cú sốc giá năng lượng và sự thay đổi về vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu
Nền công nghiệp Đức đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một thời gian dài, cho thấy suy thoái xuất phát từ các vấn đề về cơ cấu chứ không chỉ đơn thuần phản ánh sự suy thoái tạm thời có chu kỳ.
Chỉ số sản xuất PMI giảm mạnh xuống 40,6 điểm vào tháng 9/2024, giảm 27 tháng liên tiếp và đạt mức kém thứ 2 trên toàn cầu, sau Myanmar.
Đà giảm PMI kéo dài, đặc biệt là về đơn hàng xuất khẩu, là điều chưa từng có trong những thập kỷ gần đây đối với kinh tế Đức.
Tiến sĩ Cyrus de la Rubia, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, cho rằng “cú sốc Trung Quốc” là một trong số nguyên nhân chính khi ngành như ô tô và kỹ thuật cơ khí Đức phải vật lộn trước sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài.
Nhiều thương vụ thâu tóm
Trước những thách thức này, nhiều doanh nghiệp Đức đang hướng đến các nhà đầu tư nước ngoài để vượt qua khó khăn, hoặc là trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các vụ thâu tóm.
Deutsche Bahn, công ty đường sắt quốc gia của Đức, gần đây đã đồng ý bán công ty con chuyên về hậu cần Schenker cho đối thủ cạnh tranh DSV (Đan Mạch) với giá khoảng 14 tỷ euro. Đây được coi là cứu trợ tài chính cần thiết cho Deutsche Bahn vốn đang hoạt động kém hiệu quả và liên tục trễ chuyến.
Đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng Techem gần đây cũng đã bị bán cho công ty quản lý tài sản TPG (Mỹ).
Commerzbank, ngân hàng tư nhân lớn thứ 2 của Đức, hiện là mục tiêu chính cho một vụ thâu tóm của nước ngoài. UniCredit, gã khổng lồ ngân hàng Ý, đã âm thầm tăng cổ phần tại Commerzbank lên 21%, làm dấy lên đồn đoán rằng một vụ thâu tóm có thể sắp xảy ra.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã lên tiếng ủng hộ việc sáp nhập ngân hàng xuyên biên giới, cho rằng các ngân hàng châu Âu cần phải hợp nhất để cạnh tranh hiệu quả trên toàn cầu.
Theo Euronews
Theo Nhịp Sống Thị Trường