chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Sau EV, điện mặt trời, đến lượt một ngành công nghiệp then chốt của châu Âu kêu cứu trước ‘gã khổng lồ’ Trung Quốc
12:00 | 24/09/2024
Giá thép ở châu Âu giảm xuống dưới giá thành sản xuất khi thị trường thế giới ngập tràn sản phẩm của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp sản xuất thép châu Âu vừa kiến nghị các quan chức thương mại giải quyết tình trạng nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng đột biến khiến giá thép tại châu Âu giảm xuống dưới giá thành sản xuất, tờ Financial Times (FT) đưa tin.
Nhiều nhà sản xuất thép và cơ quan thương mại của châu Âu nói với FT rằng cần có một hệ thống thuế quan mới, toàn diện để giải quyết tác động của tình trạng dư thừa công suất toàn cầu và bảo vệ các nhà sản xuất trong nước vốn đang chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu và chi phí năng lượng cao.
Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép trong năm nay – mức kỷ lục từ năm 2016. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng thương mại và thúc đẩy một số quốc gia áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc từ 2010-2024 (đơn vị: Triệu tấn). Nguồn: Mysteel.
Genuino Christino, giám đốc tài chính tại nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu ArcelorMittal, cho biết lượng xuất khẩu của Trung Quốc là “rất lớn”. Ông cho biết ngành công nghiệp thép châu Âu “đã quay trở lại cuộc khủng hoảng giống như năm 2015-2016, cũng bởi hàng xuất khẩu ồ ạt từ Trung Quốc”.
Công ty sản xuất thép Salzgitter (Đức) cho biết làn sóng “xuất khẩu thép giá rẻ, được trợ cấp từ Trung Quốc” đang đe dọa tính bền vững của ngành thép châu Âu và quá trình chuyển đổi sang sản xuất ít carbon của khu vực.
Russell Codling, giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh tại Anh của Tata Steel (Ấn Độ), cho biết tình hình hiện tại là một “vấn đề lớn” đối với ngành, đặc biệt là khi nhu cầu đang rất thấp.
Salzgitter cho biết: “Ủy ban châu Âu cần thực hiện các biện pháp táo bạo như áp thuế quan để giải quyết tận gốc vấn đề, đó là tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc và các quốc gia khác”.
Axel Eggert, tổng giám đốc của cơ quan thương mại Eurofer, cho biết các cơ quan quản lý nên đưa ra một “biện pháp tương đương thuế quan” để giúp các nhà sản xuất châu Âu. Ông nói thêm rằng các biện pháp phòng vệ hiện tại không còn hiệu quả.
Eggert cho biết: “Giá thép xuất khẩu của Trung Quốc hiện nay thấp hơn chi phí sản xuất”.
Một số quốc gia đã có hành động để giải quyết các vấn đề thị trường, bao gồm Canada. Vào tháng 7, Mỹ đã công bố mức thuế 25% đối với sản phẩm thép đến từ Mexico. Tuần trước, Ấn Độ cho biết họ đang đàm phán để giải quyết tình trạng nhập khẩu thép tăng cao.
Theo Thyssenkrupp Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức, lượng thép dẹt nhập khẩu vào EU đã tăng 30% trong 4 tháng đầu năm 2024. Xu hướng này, cùng với với nhu cầu thấp và chi phí năng lượng cao, đã “gây áp lực đáng kể” lên ngành công nghiệp thép châu Âu, công ty cho biết.
Báo cáo cũng cho biết thêm rằng vấn đề này cũng đe dọa việc đầu tư vào chuyển đổi xanh của ngành.
Bastian Synagowitz, giám đốc nghiên cứu thép toàn cầu tại Deutsche Bank, cho biết thị trường EU “khá yếu” và “lượng nhập khẩu vẫn đang tăng”.
Christino của Arcelor cho biết tình hình ở châu Âu “đặc biệt khó khăn” do nhu cầu yếu, chi phí năng lượng cao và nhập khẩu tăng. Ông chỉ ra rằng châu lục này từng là nước xuất khẩu thép ròng. “Bây giờ châu Âu lại đang nhập khẩu ròng”, ông nói.
Trước đó, nhiều nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời và ô tô tại châu Âu bày tỏ lo ngại trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chính quyền thực hiện biện pháp nhằm ngăn chặn tác động đến các nhà sản xuất trong khu vực.
Theo FT
Theo Nhịp Sống Thị Trường