PGS-TS Phạm Thế Anh: “Dù kết quả đàm phán thế nào thì cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”

Đây là nhận định của PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân bên lề Hội thảo khoa học quốc gia thường niên với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 – Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, tổ chức mới đây.

Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia thường niên với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 – Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”.

Bước sang năm 2024, lạm phát toàn cầu đã có xu hướng hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế dần phục hồi nhưng vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu dịch chuyển chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận nhiều cải thiện so với các năm trước.

Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, cao hơn đáng kể so với mức 5,07% của năm 2023, và vượt kế hoạch đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng 3,63%, phù hợp với mục tiêu của Quốc hội. Tăng trưởng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đạt 15,08%, với giải ngân tín dụng được phân bổ cân đối hơn giữa các quý, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thương mại quốc tế phục hồi mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng 14,3% và nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 theo giá hiện hành tăng 7,5% so với năm 2023, phản ánh sự phục hồi tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 9,4%, đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), mặc dù năm 2024 có thể coi là một năm thành công với những kết quả tích cực, song khi bước sang năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8% sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

“Một trong những thách thức dễ dàng nhận thấy nhất đó chính là việc Hoa Kỳ ban hành chính sách thuế mới, với mức thuế suất lên tới 46% đối với 90% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Đây sẽ là lực cản lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam – một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế”, GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay.

Liên quan đến việc Hoa Kỳ ban hành chính sách thuế mới, với mức thuế suất lên tới 46% đối với 90% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, ban đầu khi Tổng thống Donald Trump áp thuế suất cao với Việt Nam và các nước, bản thân ông cũng cho rằng mức thuế này được đưa ra để đàm phán chứ không phải thực hiện. Trong thương mại toàn cầu, nếu mức thuế cao phi lý sẽ khiến cả 2 bên đều thua trong cuộc chiến.

Theo đó, việc Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn thuế đối ứng 46% với Việt Nam trong 90 ngày sẽ mở ra cơ hội đàm phán giữa hai quốc gia để cùng cải thiện các vấn đề giữa hai bên. Trong thời gian này, PGS-TS Phạm Thế Anh cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin để bước vào đàm phán và lường trước các tình huống.

Đáng lưu ý, ông cho rằng dù kết quả thế nào thì rõ ràng hoạt động thương mại quốc tế sẽ thay đổi so với trước. “Cuộc chơi thương mại toàn cầu thay đổi, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tránh phụ thuộc vào thị trường lớn như Mỹ” – PGS-TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Còn theo GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong giai đoạn chờ đợi kết quả đàm phán mới, nền kinh tế Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi chiến lược về cấu trúc nền kinh tế, cần dựa vào nguồn lực trong nước là kinh tế tư nhân, cũng như phải có các giải pháp để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần định vị, thay đổi cấu trúc sản xuất của nền kinh tế, đảm bảo có giá trị gia tăng tốt hơn, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

“Trong đó, thể chế về kinh tế tư nhân cần thay đổi để giải quyết những tồn tại về phát triển kinh tế tư nhân, như cần thay đổi tư duy về xây dựng pháp luật, vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo của khu vực này”, GS.TS Tô Trung Thành nhận định.

Mặt khác phải giảm thiểu can thiệp hành chính, thay bằng tư duy hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, nên cần môi trường đầu tư – kinh doanh thực sự minh bạch và bình đẳng.

PGS-TS Phạm Thế Anh: "Dù kết quả đàm phán thế nào thì cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu"- Ảnh 2.
GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân

Mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% vô cùng thách thức

Đối với các động lực tăng trưởng kinh tế, PGS-TS Phạm Thế Anh cho biết, đầu tư tư nhân khó tăng mạnh do những khó khăn của khu vực doanh nghiệp; Xuất khẩu và FDI trong quý I tăng trưởng tốt, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhưng mới đây lại phải đối diện sức ép lớn từ chính sách của Mỹ.Trước mắt trong ngắn hạn, ông Thế Anh cho rằng, xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính sách thuế quan của Mỹ. Tiêu dùng cũng không phải là một động lực tăng trưởng có thể bứt phá trong năm nay khi thu nhập của người dân không tăng nhanh trong mấy năm vừa qua khiến sức mua của người dân đã bị hạn chế đi rất nhiều, chuyên gia phân tích.

Theo ông, sự tăng nóng của thị trường bất động sản, thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý đều làm giảm khả năng tiêu dùng của người dân.

“Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% hoặc cao hơn được đặt ra từ đầu năm và chưa tính đến những diễn biến hiện tại trên thị trường quốc tế đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ đối với tất cả các đối tác thương mại trong đó có Việt Nam”, vị chuyên gia cho hay.

PGS-TS Phạm Thế Anh: "Dù kết quả đàm phán thế nào thì cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu"- Ảnh 3.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI hướng ra xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay làm cho hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở lên đắt đỏ hơn. Đây là một rào cản rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ còn tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Điều này tạo ra sự bất ổn, khiến cho dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế có lẽ cần điều chỉnh.

“Có thể coi mục tiêu này là để phấn đấu chứ không phải đạt được bằng mọi giá”, ông Thế Anh phân tích.

Ở góc độ vĩ mô, theo ông Thế Anh, muốn đạt được tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi như vậy thì cần tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong nước để đạt cao hơn.

“Nếu thích ứng nhanh, Việt Nam có thể bù đắp một phần từ thị trường quốc tế bằng cách có thể nới lỏng thêm điều kiện về thị thực, phát triển du lịch quốc tế để bù đắp một phần tác động tiêu cực từ xuất khẩu”, Chuyên gia Phạm Thế Anh nói.

Về đầu tư, ông Thế Anh cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn khó khăn của đầu tư FDI bởi bối cảnh thế giới càng bất ổn, doanh nghiệp càng chần chừ đầu tư. Giờ đây các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn bởi Việt Nam không còn là điểm đến an toàn trong việc né tránh thuế quan nữa.

“Có thể các doanh nghiệp FDI vẫn vào Việt Nam để tận dụng các FTA, lao động giá rẻ nhưng họ đang gặp rào cản ở thị trường lớn nhất là thị trường Mỹ. Vì vậy, đây sẽ không phải một yếu tố trở thành động lực tăng trưởng cho năm nay”, vị chuyên gia phân tích.

Về đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ bất ổn chính sách ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy, để thu hút được đầu tư tư nhân cần phải tạo môi trường kinh doanh, thể chế ổn định trong nhiều năm, nhiều thời kỳ kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, chứ nếu thay đổi quá thường xuyên thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không đầu tư lâu dài.

“Nếu các chính sách giảm được thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản kinh doanh và thể hiện được sự cam kết của Chính phủ thì đầu tư tư nhân sẽ tăng trở lại trong các năm tiếp theo”, ông Thế Anh phân tích.

Đối với đầu tư công, yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chủ quan trong triển khai. Tuy nhiên, đầu tư công sẽ chỉ bù đắp được phần nào tác động tiêu cực từ bên ngoài. Việc đạt được tăng trưởng GDP hai con số hay trên 8% rất thách thức và rủi ro bởi nếu “ép giải ngân” sẽ khó mang lại hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân.

Nếu quá dễ dãi với tín dụng, chính sách tiền tệ, giải ngân đầu tư công để bằng mọi giá đạt mục tiêu tăng trưởng thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế, nguy cơ lạm phát, mất giá tiền tệ, thâm hụt ngân sách và đặc biệt là bong bóng giá tài sản sẽ xuất hiện.

“Trường hợp tiền sẽ không đi vào sản xuất mà đi vào các bong bóng giá tài sản khiến chúng ta thất bại trong việc thu hút các nguồn lực tư nhân vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, đổi mới công nghệ tạo ra tăng trưởng thực trong dài hạn”, vị PGS nhận định.

Giang Anh

Theo Nhịp sống thị trường