Phật giáo Trúc Lâm gần gũi đi vào lòng công chúng

Phật giáo Trúc Lâm với tinh thần nhập thế, gần gũi với đời sống, đi vào lòng công chúng thông qua chương trình tưởng niệm tri ân công hạnh của các vị tam tổ và đặc biệt qua các chương trình nghệ thuật, thơ ca.

Hướng về cội nguồn Phật giáo Trúc Lâm

Sáng ngày 30/3/2025, trong không gian linh thiêng của khu di tích Am Chùa Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Ninh), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ tưởng niệm 695 năm ngày Nhị tổ Pháp Loa viên tịch. Sự kiện là dịp để chư tôn đức tăng ni, Phật tử và nhân dân thập phương cùng hướng về cội nguồn, tri ân công hạnh của vị tổ sư đã có công lớn trong sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm cũng như Phật giáo Việt Nam.

IMG 0423 1
TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng vụ Phật Giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ tại chương trình

Pháp Loa tôn giả (1284-1330) là vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, tiếp nối sự nghiệp hoằng dương chánh pháp từ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Xuất gia từ năm 21 tuổi, Ngài sớm bộc lộ trí tuệ siêu việt và trở thành đệ tử xuất sắc nhất của Trần Nhân Tông. Trong hơn 20 năm hoằng pháp, Nhị tổ Pháp Loa đã tiếp độ hàng vạn tăng ni, xây dựng nhiều ngôi chùa lớn, trong đó có chùa Quỳnh Lâm – trung tâm đào tạo tăng tài lớn bậc nhất bấy giờ, đồng thời biên soạn nhiều kinh sách quan trọng.

Đặc biệt, tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm dưới sự dẫn dắt của Ngài đã giúp Phật giáo gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân, không chỉ là chốn tu hành mà còn góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

Lễ tưởng niệm trang nghiêm và giàu cảm xúc

Buổi lễ diễn ra với sự tham dự của đông đảo chư tôn đức, Phật tử và người dân từ khắp mọi miền, thể hiện sự tôn kính đối với Nhị tổ Pháp Loa. 

Phần nghi lễ tưởng niệm do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chủ trì, nhằm thể hiện lòng tri ân sâu sắc với Nhị tổ Pháp Loa cũng như Tam tổ Trúc Lâm, đồng thời cầu nguyện quốc thái dân an.

Tại sự kiện, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đã chia sẻ về công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm và đặc biệt là những đóng góp to lớn của Nhị tổ Pháp Loa đối với Đạo pháp và dân tộc. 

Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, cũng chia sẻ những thông tin quan trọng, sâu sắc về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, về danh xưng Tam Tổ Trúc Lâm và những giá trị bền vững của Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống.

IMG 0505
Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Chương trình nghệ thuật tri ân với những ca khúc “Ngọa Vân Ca”, “Phật độ” và đặc biệt là trích đoạn vở cải lương về cuộc đời Nhị tổ Pháp Loa đã tạo nên không gian trang nghiêm và lắng đọng.

Đặc biệt, trích đoạn trong vở cải lương về Nhị tổ Pháp Loa do TS Bùi Hữu Dược viết kịch bản, được các nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Việt Nam thể hiện, đã mang đến một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc. Những câu chuyện về hành trình tu học và hoằng pháp của Ngài được tái hiện sinh động, chạm đến trái tim khán giả, đặc biệt là hàng trăm sinh viên tham dự.

IMG 0448
Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn trích đoạn “Pháp Loa, Nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm”

Nhằm giúp đông đảo Phật tử có thể tham dự, Ban tổ chức đã thực hiện livestream trực tiếp Lễ tưởng niệm từ chùa Ngọa Vân – Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Đây không chỉ là cách để lan tỏa tinh thần tri ân, mà còn là cầu nối để nhiều người hơn nữa có thể tiếp cận với những giá trị sâu sắc của Phật giáo Trúc Lâm.

Trong buổi chiều 30/3/2025, TS. Bùi Hữu Dược – Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo chính phủ có những chia sẻ vô cùng bổ ích với các em học sinh từ các trường đại học về những triết lý của Phật giáo Trúc Lâm và ứng dụng những triết lý đó vào đời sống đương đại. 

Hà Phương