Phát huy tinh thần Phật giáo Trúc Lâm gắn với “Quốc thái, dân cường”

Phật giáo Trúc Lâm với tinh thần nhập thế, gần gũi với đời sống, đi vào lòng công chúng thông qua chương trình tưởng niệm tri ân công hạnh của các vị tam tổ và đặc biệt qua các chương trình nghệ thuật, thơ ca. Đây cũng là tinh thần giáo dục tu hành “Phật tại tâm” với phương châm “Quốc thái, dân cường”.

Hướng về cội nguồn Phật giáo Trúc Lâm

Sáng ngày 30/3/2025, trong không gian linh thiêng của khu di tích Am Chùa Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Ninh), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ tưởng niệm 695 năm ngày Nhị tổ Pháp Loa viên tịch. Sự kiện là dịp để chư tôn đức tăng ni, Phật tử và nhân dân thập phương cùng hướng về cội nguồn, tri ân công hạnh của vị tổ sư đã có công lớn trong sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm cũng như Phật giáo Việt Nam.

Pháp Loa tôn giả (1284-1330) là vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, tiếp nối sự nghiệp hoằng dương chánh pháp từ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Xuất gia từ năm 21 tuổi, Ngài sớm bộc lộ trí tuệ siêu việt và trở thành đệ tử xuất sắc nhất của Trần Nhân Tông. Trong hơn 20 năm hoằng pháp, Nhị tổ Pháp Loa đã tiếp độ hàng vạn tăng ni, xây dựng nhiều ngôi chùa lớn, trong đó có chùa Quỳnh Lâm – trung tâm đào tạo tăng tài lớn bậc nhất bấy giờ, đồng thời biên soạn nhiều kinh sách quan trọng.

Đặc biệt, tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm dưới sự dẫn dắt của Ngài đã giúp Phật giáo gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân, không chỉ là chốn tu hành mà còn góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

Tại sự kiện, Lễ tưởng niệm đã diễn trang nghiêm và giàu cảm xúc với sự tham dự của đông đảo chư tôn đức, Phật tử và người dân từ khắp mọi miền, thể hiện sự tôn kính đối với Nhị tổ Pháp Loa.

ni tang
Đông đảo tăng ni, phật tử, đại biểu về dự chương trình tại khu quần thể di tích đặc biệt am – chùa Ngoạ Vân, Quảng Ninh

Phần nghi lễ tưởng niệm do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chủ trì, nhằm thể hiện lòng tri ân sâu sắc với Nhị tổ Pháp Loa cũng như Tam tổ Trúc Lâm, đồng thời cầu nguyện quốc thái dân an.

Cũng tại sự kiện, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đã chia sẻ về công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm và đặc biệt là những đóng góp to lớn của Nhị tổ Pháp Loa đối với Đạo pháp và dân tộc.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016-2021 thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng chia sẻ những thông tin quan trọng, sâu sắc về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, về danh xưng Tam Tổ Trúc Lâm và những giá trị bền vững của Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống.

hoa thuong thich thanh quyet
Hoà thượng Thích Thanh Quyết phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại buổi lễ, Hoà thượng Thích Thanh Quyết bày tỏ vui mừng khi đông đảo đại biểu và các tăng ni, phật tử đã quy tụ về nơi thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm, trong một bối cảnh “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Dịp này, Hoà thượng Thích Thanh Quyết đã có những chia súc tích, chân tình, chân thật nhất về nguồn gốc của đệ nhị Tổ Pháp Loa cũng như Tam Tổ Trúc Lâm, mong muốn tinh thần Phật giáo Trúc Lâm sâu sắc, toàn diện sẽ được lan toả tác động tới đông đảo quần chúng nhân dân. “Đa phần người dân Việt Nam có tâm phật và hưởng ứng tư tưởng của Tam Tổ Trúc Lâm. Việc vinh danh đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và sự kính trọng mà người đời sau dành cho Tam Tổ Trúc Lâm một cách mộc mạc, gần gũi coi ba cụ như tổ tiên nhà mình đã khẳng định sự kính trọng, tri ân tới tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm”- Hoà thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ.

Phật giáo Trúc Lâm gần gũi đi vào lòng công chúng

Chương trình nghệ thuật tri ân với những ca khúc “Ngọa Vân Ca”, “Phật độ” và đặc biệt là trích đoạn vở cải lương về cuộc đời Nhị tổ Pháp Loa đã tạo nên không gian trang nghiêm và lắng đọng.

Đặc biệt, trích đoạn trong vở cải lương về Nhị tổ Pháp Loa do TS Bùi Hữu Dược viết kịch bản, được các nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Việt Nam thể hiện, đã mang đến một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc. Những câu chuyện về hành trình tu học và hoằng pháp của Ngài được tái hiện sinh động, chạm đến trái tim khán giả, đặc biệt là hàng trăm sinh viên tham dự.

Nhằm giúp đông đảo Phật tử có thể tham dự, Ban tổ chức đã thực hiện livestream trực tiếp Lễ tưởng niệm từ chùa Ngọa Vân – Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Đây không chỉ là cách để lan tỏa tinh thần tri ân, mà còn là cầu nối để nhiều người hơn nữa có thể tiếp cận với những giá trị sâu sắc của Phật giáo Trúc Lâm.

Trong buổi chiều 30/3/2025, TS. Bùi Hữu Dược, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo chính phủ có những chia sẻ vô cùng bổ ích với các em học sinh từ các trường đại học về những triết lý của Phật giáo Trúc Lâm và ứng dụng những triết lý đó vào đời sống đương đại.

bac duoc
TS Bùi Hữu Dược, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo chính phủ phát biểu tại chương trình

Trước đó, tối 29/3/2025, chương trình giao lưu văn hoá tri ân Tam tổ Trúc Lâm đã diễn ra tại quần thể di tích đặc biệt am – chùa Ngoạ Vân. Chương trình giao lưu văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng kính ngưỡng với Phật giáo Trúc Lâm. Đêm văn hóa văn nghệ đã quy tụ đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ cùng Phật tử từ Bắc chí Nam, tạo nên không gian giao lưu văn hóa đặc sắc, lan tỏa giá trị Phật giáo Trúc Lâm và tinh thần nhân quả trong đời sống.

Trong chương trình giao lưu này, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã thông tin chi tiết về Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, là người kế tục sự nghiệp hoằng pháp của Đệ nhất Tổ – Phật Hoàng Trần Nhân Tông. “Trong suốt 12 năm đảm nhiệm vị trí Tổ thứ hai của dòng thiền, Thiền sư Pháp Loa đã có những đóng góp quan trọng trong việc hệ thống hóa và phát triển tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm. Ngài là người đầu tiên tổ chức đào tạo tăng tài theo mô hình quy củ, đặt nền móng cho giáo dục Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Ngài còn cho in ấn nhiều bộ kinh sách quan trọng và xây dựng hàng chục tự viện trên khắp cả nước, góp phần lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống dân gian”- Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.

Ban tổ chức, trước hết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, sau đó là Trung tâm du lịch Hòa Vân cùng nhiều người yêu mến Phật giáo mong muốn truyền tải thông điệp về niềm tin tâm linh đối với Thiền phái Trúc Lâm, cũng như những nét đẹp trong văn hóa Phật giáo từ xưa đến nay.

Trước đây, các bậc tiền nhân đã thực hành đạo Phật với tinh thần “Phật tại tâm” như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã giáo huấn, giúp mọi người biết đến việc thiện, tránh điều xấu ác, yêu thương và kính trọng lẫn nhau, cùng xây dựng đất nước theo đúng phưng châm “Quốc thái dân cường”. Những giá trị này đã giúp các bậc tiền nhân được tôn vinh, và hậu thế tiếp tục giữ gìn, phát huy.

Việt Hà