Theo sự phân công của Bộ Chính trị, chiều nay (19/4), tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy 3 tỉnh, gồm: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông về triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng.
Báo cáo tổng hợp của Bộ Nội vụ cho biết, tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất phương án nhập 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Lâm Đồng với trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, dự kiến sắp xếp 135 đơn vị hành chính cấp xã thành 51 đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm 9 phường, 42 xã); giảm 62,77%; giữ nguyên trạng 2 xã.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, dự kiến sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã thành 28 đơn vị hành chính cấp xã, (giảm 60,57% số đơn vị hành chính cấp xã), trong đó có 2 xã giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, dự kiến sắp xếp 121 đơn vị hành chính cấp xã thành 43 đơn vị hành chính cấp xã mới gồm 34 xã, 8 phường và 1 đặc khu (thành lập đặc khu Phú Quý từ huyện đảo Phú Quý có 3 đơn vị hành chính cấp xã), giảm 64,5% số đơn vị hành chính cấp xã.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy các tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh. UBND các tỉnh đã ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn.
Căn cứ kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, UBND các tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức triển khai lấy ý kiến cử tri tại các đơn vị hành chính có liên quan;…
UBND các tỉnh hoàn thiện hồ sơ Đề án trình Chính phủ (qua Bộ Nội vụ), dự kiến trước ngày 1/5/2025.
Bộ Nội vụ khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương hiện nay của Đảng là cuộc cải cách về đơn vị hành chính các cấp có quy mô lớn nhất, toàn diện và triệt để nhất từ trước đến nay, có tác động sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và trực tiếp đến từng người dân.

Đồng thời, đây cũng là bước đi quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy quản trị quốc gia, quản trị địa phương, sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn; tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay sang mô hình 2 cấp hiện đại, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Điều đặc biệt quan trọng là đây không chỉ là việc sáp nhập địa giới hành chính một cách cơ học mà là tổ chức lại không gian phát triển, tổ chức lại hệ thống quản trị, tái cấu trúc mô hình vận hành hệ thống chính trị nói chung, chính quyền địa phương các cấp nói riêng đồng bộ với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Mục tiêu giảm số lượng đơn vị hành chính các cấp, nhưng tăng được chất lượng, tinh gọn được bộ máy, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm chính quyền gần dân, sát dân, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn và hướng đến cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông đã báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình những nội dung cụ thể về kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy của các địa phương, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện sắp xếp; các nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai thực hiện thời gian tới cũng như những nội dung phối hợp giữa 3 địa phương trong thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn, tổ chức lại bộ máy.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, để việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn được triển khai hiệu quả, Ban Thường vụ các tỉnh cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trên tinh thần khoa học, hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, bảo đảm đúng quy định pháp luật và định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra thành công tốt đẹp, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn các cơ quan trong hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời nêu rõ, các yêu cầu đặt ra trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 liên quan đến công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải thực hiện theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” vì có rất nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30/6, bởi sau 30/6 Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, cấp huyện không còn, cấp xã mới đi vào vận hành và bắt đầu từ đầu tháng 7 phải khẩn trương tiến hành đại hội cấp xã.
“Thời gian còn lại là rất ít, rất ngắn; nếu chúng ta không quyết liệt vào cuộc, không tích cực, khẩn trương thì sẽ không thể đạt được yêu cầu, tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Trung ương. Làm nhanh nhưng chất lượng phải cao và không để xảy ra sơ suất”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Hoanh nghênh 3 tỉnh thời gian qua đã rất tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ trong sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, từ công tác chính trị, tư tưởng đến việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, người lao động trong quá trình sắp xếp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, thực hiện chủ trương của Trung ương về phương án sáp nhập 3 tỉnh, gồm: Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng thành một tỉnh mới, 3 địa phương đã cùng nhau chia sẻ, đoàn kết, thống nhất, phối hợp tốt với nhau để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo; sự chia sẻ, đoàn kết, thống nhất này chính là cơ sở, tiền đề để thực hiện tốt chủ trương sáp nhập 3 tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sau khi 3 tỉnh được sáp nhập.
Trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý các địa phương phải bảo đảm các nhiệm vụ thường xuyên, không để các hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước bị gián đoạn cũng như phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội…
Cùng với công tác sáp nhập, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng cần tiếp tục phối hợp tốt trong chỉ đạo, chuẩn bị đại hội cơ sở, đại hội cấp tỉnh mới sau sáp nhập, nhất là trong xây dựng văn kiện của đại hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm công tâm, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc, đúng năng lực; có phương án điều động, luân chuyển, đào tạo lại, giải quyết chế độ chính sách hợp lý cho những người nghỉ việc theo nguyện vọng hoặc chuyển công tác./.
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích 9.781,20 km2, dân số 1.595.597 người (tính đến tháng 12/2024); có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và 2 thành phố;137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 106 xã, 18 phường và 13 thị trấn. Tỉnh Đắk Nông có diện tích 6.509 km2, dân số 746.149 người (tính đến tháng 12/2024); có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 1 thành phố; có 71 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 60 xã, 6 phường, 5 thị trấn, trong đó có 7 xã biên giới tiếp giáp Campuchia. Tỉnh Bình Thuận có 7.942,60 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số thường trú tính đến ngày 31/12/2024 là 1.508.800 người; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện; có 121 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 93 xã, 16 phường, 12 thị trấn. Ngày 12/4/2025, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII với các nội dung lớn, cụ thể là đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành; đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); đồng ý sáp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. |
Nguyễn Hoàng
Theo VGP