chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Chung tay chống biến đổi khí hậu
12:00 | 17/11/2015
Với 3.200 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, và do vậy, mọi người cần phải sớm chung tay hành động để giảm thiểu thiệt hại, theo ông Emmanuel Ly-Battalan, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM.
Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuel Ly-Battalan phát biểu tại buổi họp báo “Cùng chung tay bảo vệ khí hậu” - Ảnh: Chính Phong Theo dự báo của Cơ quan phát triển Pháp (Agence Francaise de Developpement – AFD), tình hình biến đổi khí hậu đang xấu đi nhanh chóng. Theo cơ quan này, Việt Nam vẫn là quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tương đối thấp nếu xét về mặt dân số (dân số Việt Nam chiếm 1,3% thế giới trong khi lượng phát thải chiếm 0,6% so với toàn cầu) nhưng tốc độ tăng lượng phát thải lại rất lớn. Dự báo đến năm 2030, lượng phát thải của Việt Nam có thể tăng gấp ba lần mức hiện tại. “Ngay từ lúc này các bạn phải hành động,” ông Tổng lãnh sự Pháp nói tại buổi họp báo “Cùng chung tay bảo vệ khí hậu” diễn ra ngày 16-11 tại Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM. Cuộc họp báo giới thiệu một chuỗi các sự kiện tại Hà Nội và TP.HCM nhằm nâng cao nhận thức của từng người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, địa phương về hậu quả của biến đổi khí hậu và chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu. AFD nhấn mạnh rằng nếu nước biển dâng cao thêm 1 mét, sẽ có gần 5% diện tích lãnh thổ, 11% dân số và 7% diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng; GDP của Việt Nam có thể giảm đi 10% và 90% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thể ngập chìm trong nước. Khả năng dễ bị tổn thương này đe dọa mạnh đến quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. AFD cho rằng cần phải thay đổi nhận thức rằng chống biến đổi khí hậu chỉ là chuyện của chính phủ, mà không thấy được rằng mọi người dân cần phải chung tay. Ông Tổng lãnh sự Pháp và ông Rémi Genevey, Giám đốc AFD tại Việt Nam, chia sẻ một câu chuyện có ý nghĩa về chuyện chống biến đổi khí hậu. Tháng 6 qua, tại một hội thảo tổ chức tại trường Đại học Hoa Sen, nhiều người tham gia hội thảo nói Việt Nam không có giải pháp nào để thực hiện việc này, nếu có giải pháp thì chỉ từ các quốc gia giàu có. “Điều này không đúng”, ông Ly-Battalan nói, “Ở Việt Nam có nhiều dự án như tại làng tre Phú An (Bến Cát, Bình Dương), người dân trồng tre, phát triển các giống tre chống sạt lở đất, hạn hán, đây là một trong những việc làm hiệu quả góp phần chống biến đổi khí hậu mà không tốn nhiều chi phí,” ông Ly-Battalan nói. Các chương trình tương tự như tại Việt Nam cũng đã được AFD thực hiện tại nhiều nước trên thế giới nhằm hướng tới Hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra tại Pháp từ ngày 30.11 đến 11.12.2015. Tại COP 21, các nước sẽ đưa ra cam kết của họ trong việc đóng góp nhằm giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo Saigontimes.