chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Phát hiện xác ướp Ai Cập mắc bệnh tim mãn tính cổ nhất thế giới
12:00 | 01/09/2015
Trường hợp suy tim mãn tính cổ xưa nhất thế giới đã được phát hiện trên xác ướp Ai Cập có tên Nebiri do nhà Ai Cập học người Italy, Ernesto Schiaparelli tìm thấy năm 1904.
(Nguồn: Reuters)
Xác ướp của Nebiri hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng Ai Cập ở Turin, Italy. Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Turin đã công bố nguyên nhân cái chết của xác ướp tại Hội nghị Ai Cập học quốc tế ở Florence.
Theo đó, Nebiri qua đời vào lúc khoảng 45-60 tuổi. Kết quả chụp cắt lớp cùng tái tạo hộp sọ bằng phương pháp ba chiều cho thấy ông bị bệnh nghiêm trọng về nướu với những khối áp xe lớn.
“Băng quấn trên đầu của xác ướp gần như đã bị tung ra hết, nhưng cái đầu vẫn ở trong tình trạng được bảo quản tốt. Chiếc bình đựng có khắc hình Hapy, nữ thần bảo vệ cho lá phổi đã bị vỡ một phần, do đó chúng tôi đã được phép lấy mẫu vật trực tiếp từ đó,” nhà nhân chủng học Raffaella Bianucci cho biết.
Hình ảnh từ máy quét cho thấy não của Nebiri đã được lấy ra khỏi hộp sọ, nhưng vẫn còn một lượng lớn các mô còn sót lại.
Các nhà khoa học còn tìm thấy những phần bị vôi hóa ở động mạch cảnh trong bên phải, cho thấy có khả năng Nebiri đã mắc chứng xơ vữa động mạch dạng nhẹ. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu hiệu của suy phổi và những tế bào tim bị suy.
Qua xét nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xác định được Nebiri đã bị nhiễm trùng lao, từ đó dẫn đến kết luận ông đã chết do bị suy tim mất bù cấp bên trái-một hệ quả của bệnh tim. “Chúng tôi đã phát hiện ra bằng chứng lâu đời nhất về bệnh suy tim được phát hiện trên xác ướp,” Bianucci khẳng định.
Theo TTXVN