Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Trăm năm nữa không còn loài người !!!

12:00 | 23/06/2015

Dưới tiêu đề: “Một đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ có thể sống và chứng kiến ngày tàn của nhân loại, trừ phi…”, bài báo đăng trên trang Reuters hôm 18-6 là một lời cảnh báo nghiêm khắc về tương lai u ám nếu như ngay từ hôm nay con người không thay đổi tận gốc cách sống, cách ứng xử với thiên nhiên.

Một đôi nam nữ đứng trên đồi nhìn về thành phố Cairo, Ai Cập trong một ngày mà nhiệt độ lên tới 45,5 độ C. Ảnh Reuters

Bài báo dẫn lời nhà vi sinh vật học người Úc Frank Fenner – một trong những nhà lãnh đạo nỗ lực xóa bỏ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970 – cho rằng, nhân loại sẽ bị tuyệt diệt trong 100 năm nữa bởi vì hành tinh này sẽ không còn cư trú được. Ông Fenner quy trách nhiệm cho nạn nhân mãn, hủy hoại tài nguyên và biến đổi khí hậu.

Lời tiên đoán của ông Fenner không phải là một điều cả quyết nhưng ông đúng khi cho rằng, việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ không đủ để cứu chúng ta ra khỏi xu hướng tiến dần tới thảm họa. Mà dù sao, cũng chưa có một nỗ lực khẩn trương toàn cầu nào nhằm giảm khí thải. Hôm thứ Hai vừa qua, khi các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 kêu gọi tất cả các quốc gia giảm khí thải carbon xuống mức 0% trong vòng 85 năm nữa, phản ứng của giới khoa học khá đồng nhất: quá muộn rồi!

Và hội nghị Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Bonn, Đức nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Khí hậu sẽ diễn ra ở Paris, Pháp cuối năm nay cũng không đưa ra được một hiệp ước đầy đủ. Vả lại, giảm mức phát thải chỉ là một nửa câu chuyện, mà là nửa dễ nhất. Nửa khó hơn là phải có một nỗ lực hiệu quả nhằm tìm ra những công nghệ cần thiết để đảo ngược tiến trình “tận thế về khí hậu” đã bắt đầu diễn ra rồi.

Trong nhiều năm nay, chúng ta thường nghe nói rằng, chúng ta đang ở điểm tận cùng. Trong bộ phim tài liệu “Một sự thật khó chịu” (An Inconvenient Truth), ông Al Gore – nguyên phó tổng thống Mỹ - đã cảnh báo rằng nếu chúng ta muốn tránh tình trạng ấm lên toàn cầu thì phải hành động ngay lập tức. Năm 2007, Sir David King – cựu cố vấn chính về khí hậu cho chính phủ Anh – tuyên bố: “Không thể tránh được sự biến đổi khí hậu nguy hiểm – sự biến đổi khí hậu nguy hiểm đã ở đây rồi. Vấn đề là, chúng ta có thể tránh sự biến đổi khí hậu mang tính thảm họa hay không?” Trong những năm tháng từ đó đến nay, sự phát thải đã tăng lên, nhiệt độ trái đất cũng tăng theo. Chỉ có thể rút ra hai kết luận: Hoặc là những lời cảnh báo đó quá thổi phồng, hoặc chúng ta đã lâm vào tình trạng rắc rối hơn là tuyên bố của Liên hiệp quốc. Không may là kết luận thứ hai tỏ ra đúng.

Giảm mức phát thải và chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn là bước đi cần thiết để ngăn chặn tình trạng nhiệt độ tăng cao mang tính thảm họa. Mục tiêu chung là giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng nhiều hơn 2 độ C. Tăng nhiều hơn mức đó – như mức 5 độ C từ nay đến năm 2100 – có nguy cơ gây lũ lụt tràn lan, nạn đói, hạn hán, nước biển dâng, nhiều loài bị tận diệt và tệ hơn nữa, nếu vượt qua điểm tận cùng (ở mức 6 độ C) thì phần lớn hành tinh sẽ không còn cư trú được nữa, phần lớn các loài động thực vật sẽ bị tuyệt diệt. Ngay cả với mức tăng 2 độ C, thì theo dự báo vào cuối thế kỷ này mực nước biển sẽ tăng cao thêm hơn 1 mét và hàng triệu người phải di tản tới nơi khác.

Và chính ở đây những cuộc thảo luận của Liên hiệp quốc đã tỏ ra bất cập nghiêm trọng. Những mục tiêu được đề nghị bởi Hoa Kỳ (tới năm 2025 giảm từ 26 đến 28% lượng khí thải so với năm 2005), bởi châu Âu (tới năm 2030 giảm 40% lượng khí thải so với năm 1990), bởi Trung Quốc (không đặt ra tỷ lệ cụ thể song cho rằng phát thải sẽ lên đỉnh điểm vào năm 2030) đều còn xa mới đủ để giúp chúng ta đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C.

Năm 2012, nhà báo Bill McKibben, trong một bài tường thuật cho tạp chí Rolling Stone, đã giải thích phần lớn bài toán nằm sau lối suy nghĩ hiện thời về tình trạng ấm lên toàn cầu. Ông kết luận rằng, những con số mà Liên hiệp quốc đưa ra chắc chắn vẫn còn quá lạc quan. Đặc biệt, McKibben lưu ý rằng, hiện thời nhiệt độ trái đất đã tăng lên 0,8 độ C, và cho dù chúng ta ngừng toàn bộ các hoạt động phát ra khí thải ngay ngày hôm nay thì nhiệt độ vẫn tăng thêm 0,8 độ C nữa do lượng CO2 đang tồn trữ trong khí quyển gây ra. Như vậy chúng ta chỉ còn “khoảng đệm” 0,4 độ C trước khi chạm ngưỡng 2 độ C. Và cho dù hội nghị thượng đỉnh Paris cuối năm nay thực hiện được tất cả những gì đã hứa thì chúng ta vẫn đang trong xu hướng “tiêu dùng” hết khoảng đệm “ngân sách CO2” còn lại – tức là mức khí thải mà chúng ta có thể phát ra mà không sợ vượt ngưỡng 2 độ C - chỉ trong vòng hai tới ba thập niên, chứ không thể kéo dài tới giữa thế kỷ này.

Hoàn toàn có thể khẳng định rằng, những mục tiêu về cắt giảm khí thải nói trên là không đầy đủ. Bản thân chúng chỉ có thể đưa ra một cơ hội rất nhỏ nhoi cho việc ngăn chặn tình trạng trái đất biến thành một hành tinh không thể cư trú được – hoặc ít ra là không phù hợp với sự sống của loài người – trong một vài thế kỷ tới. Để cho những cuộc thảo luận không trở thành những viên thuốc an thần đơn thuần, chúng cần phải bao quát được những kế hoạch tích cực trong việc làm giảm các vấn đề khí hậu, với giả định rằng những mục tiêu đầy kỳ vọng hiện nay là không thể đạt được.

Bên cạnh việc hợp tác để đối phó với những cuộc khủng hoảng do khí hậu gây ra và tình trạng bất ổn đi liền với chúng, các nhà lãnh đạo cần khuyến khích và tài trợ cho sự phát triển các công nghệ có thể làm đảo ngược những gì chúng ta không có khả năng ngăn chặn đang gây ra cho hành tinh này. Nhiều công nghệ này hiện thuộc về lĩnh vực “cô lập carbon” – tích trữ khí CO2 thay vì phát tán nó. Những chiến lược rủi ro hơn, chẳng hạn như bắn chất sulfat vào khí quyển để phản chiếu sức nóng từ năng lượng mặt trời trở về không gian, và gieo rắc chất sắt vào các đại dương để phát triển các loài tảo có khả năng hấp thụ carbon… tỏ ra có nhiều rủi ro vì có những hậu quả không mong muốn. Hiện vẫn chưa có những giải pháp an toàn hơn và tốt hơn để giảm thiểu sự tập trung khí CO2 trong khí quyển và chúng ta cần khám phá ra các giải pháp đó và vận dụng chúng.

Trong các cách tiếp cận này không có cách nào thay thế được việc cắt giảm khí thải. Xây dựng một xã hội không khí thải là mục tiêu lâu dài và cần thiết, bất chấp những bất cập về công nghệ. Công nghệ có thể giúp chúng ta có thêm thời gian để đi tới mục tiêu đó mà không làm cho trái đất nóng lên thêm. Cuối cùng, chúng ta cần một sự đầu tư lớn như thời Chiến tranh Lạnh vào việc nghiên cứu các công nghệ mới để giảm thiểu những hậu quả đang xảy đến của tình trạng nóng lên toàn cầu. Không có sự đầu tư đó, công việc của Liên hiệp quốc, dù là một cử chỉ đẹp, nhưng chẳng có mấy ý nghĩa.

Theo Saigontimes.

 

undefined