Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

“Tại sao thế hệ trẻ hiện nay khó tiết kiệm tiền?” Sau khi về sống với bố mẹ, 9X cũng hiểu ra nguyên do

12:00 | 07/09/2023

Thắc mắc bố mẹ sinh trong thời khó vẫn nhà xe đủ cả, còn bản thân đi làm quanh năm, tiền lương cao mà chẳng để được đồng nào, người phụ nữ Trung Quốc tìm ra lý do khi bố mẹ dọn đến ở cùng.

Cách tiết kiệm tiền lúc khó khăn - Tạp chí Tài chính


*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Lâm Tuyết Cầm, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).

Tôi thuộc thế hệ 9X, là con một trong gia đình khá giả, năm nay cũng gần 30 tuổi. Từ nhỏ đến lớn, tôi chẳng bao giờ phải lo nghĩ gì về tiền bạc vì đã có bố mẹ, ông bà đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu. Cả gia đình chỉ mong tôi có điều kiện tốt nhất để phát triển bản thân. Đổi lại, tôi cũng chăm ngoan nhưng lại không xuất sắc trong chuyện học hành.

Sau 3 lần thi lại đại học, tôi mới được nhận vào học tại một ngôi trường cũng khá nổi tiếng tại một thành phố lớn hạng nhất. Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng may mắn có được công việc với mức lương nhiều người thời đó mong ước, hơn hẳn mức lương dạy học của bố mẹ. Hơn nữa, tôi có cuộc hôn nhân tốt đẹp với người chồng cũng là giáo viên. Tổng thu nhập hàng năm của vợ chồng chúng tôi là 220.000 NDT, trong khi tổng thu nhập của bố mẹ tôi chỉ là 150.000 NDT.

Dẫu vậy, chẳng hiểu sao tôi thấy mình chẳng tích góp được bao mà chỉ đủ sống. Có thời điểm, vợ chồng tôi không tiết kiệm được đồng nào, ngay cả số tiền dành dụm trước khi kết hôn mấy năm cũng tiêu hết. Đôi lúc khó khăn, tôi còn phải nhờ bố mẹ đẻ giúp đỡ. Trong khi đó, tiền sắm nhà và mua xe cũng được bố mẹ phụ hơn 1 nửa.

Cách đây vài năm, bố tôi bị sốt xuất huyết, phải nhập viện nên cần tiền nộp viện phí, tôi đã giúp bố đi rút tiền tiết kiệm. Tôi đã rất sốc khi thấy trong tài khoản của ông có 720.000 NDT. Trong khi đó, vợ chồng chúng tôi lương nhiều gấp đôi bố mẹ nhưng lại chỉ mới dành ra được 300.000 NDT. Tuy nhiên nếu có việc gì gấp, có lẽ khoản tiền này cũng chẳng ở trong sổ tiết kiệm được lâu. Điều này khiến tôi băn khoăn, tự hỏi tại sao  một cặp vợ chồng trẻ, lương cao như vậy mà vẫn không “giàu” bằng bố mẹ?

Tôi từng nghĩ đó là vấn đề tuổi tác, thời gian bởi bố mẹ tôi có nhiều thời gian tích góp hơn tôi. Thế nhưng khi đã đi làm được gần 10 năm, tôi thấy mình vẫn kém xa bố mẹ hơn chục năm trước. Mãi đến năm ngoái, sau khi đưa bố mẹ tôi đến Quảng Châu sống cùng nhau được một năm, tôi mới biết 4 vấn đề ẩn giấu phía sau.

Đầu tiên có lẽ là quan niệm khác nhau về cuộc sống giữa 2 thế hệ. Triết lý sống của bố mẹ tôi là tiết kiệm nếu có thể và không chi tiêu nếu có thể. Khi bố mẹ dọn đến ở cùng, tôi bảo bố mẹ chỉ cần mang quần áo, những thứ khác sẽ sắm mới. Như thế, việc chuyển nhà sẽ nhanh gọn hơn. Thế nhưng bố mẹ tôi nhất quyết đòi đóng gói và mang theo mọi thứ họ sử dụng ở quê nhà lên phố.

Mẹ tôi cho rằng tại sao lại mua mới những thứ đã có và vẫn sử dụng tốt và cho rằng đây là hành động lãng phí tiền bạc. Trong khi đó, vợ chồng tôi đều có chung một quan điểm là những thứ đó khá rẻ, có thể mua mới được, sao phải mang chúng từ quê lên thành phố cho cồng kềnh. Sau này về sống chung, bố mẹ tôi đều đi chợ mỗi ngày để về nấu nướng chứ không bao giờ ra ngoài ăn. Còn vợ chồng tôi lại cho rằng có thể bỏ ra một ít tiền để ăn ngoài, như thế vừa được ăn ngon, vừa đỡ công nấu nướng, dọn dẹp.

Khác biệt thứ hai có lẽ là thế hệ trẻ hiện nay có nhiều cơ hội để “chi tiền” hơn so với thế hệ trước. Ở thế hệ cha mẹ ngày xưa, Internet và đời sống cũng chưa được phát triển như hiện tại. Có lẽ vì thế mà họ không có nhiều “nhu cầu” chi tiêu tiền bạc cũng ít hơn chúng ta bây giờ.

Hiện nay, cuộc sống được nâng cao với nhiều tiện ích như mua sắm trực tuyến, du lịch bùng nổ,... thu hút ngày càng nhiều người trẻ tiêu dùng, trải nghiệm. Dù cha mẹ chúng ta hiện đang sống trong cùng một xã hội với chúng ta nhưng ham muốn tiêu dùng của họ không mạnh mẽ như của người trẻ. Họ chỉ chi tiền vào những việc chính đáng, hiếm khi xa hoa, lãng phí hay hưởng thụ.

Với nhu cầu đó, nếu người trẻ không biết quản lý chi tiêu thì có bao nhiêu tiền cũng sẽ “đổ sông đổ bể”. Đây cũng là thực trạng mà nhiều người trẻ hiện nay mắc phải. Để rồi đến khi nhìn lại, họ lại thấy hối hận vì đã “vung tay quá trán”.

Nguyên nhân thứ 3 khiến người trẻ hiện nay không tích góp được nhiều tiền có thể là vì chi phí “sống” ngày càng tăng cao. Thế hệ cha mẹ tôi tuy lương thấp nhưng chi phí sinh hoạt lúc đó cũng không cao, giá nhà cũng rất thấp. Trung Quốc vào thời điểm đó, việc đi lại về cơ bản là đi xe buýt, taxi hoặc đi xe đạp. Chi phí sinh đẻ, nuôi con, cho trẻ em đi học cũng rất không nhiều như hiện tại.

Bố mẹ tôi kể rằng thời trước, nhiều người có quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, như thế nào cũng sống được. Còn thời điểm hiện tại, muốn an cư lạc nghiệp cũng khó khi giá nhà đất leo thang từng năm, chưa kể chi phí thi công, xây dựng… cũng ngày càng tăng cao. Nhiều người đi làm nhiều năm cũng không tích đủ tiền xây nhà, có khi đến tuổi trung niên mới an cư lạc nghiệp. Không những thế, việc muốn sinh con, nuôi con trưởng thành là cả một vấn đề to lớn về tài chính mà hầu hết cặp vợ chồng nào cũng phải đau đầu.

Dù những lý do này chưa phải là toàn bộ nguyên nhân quyết định sự khác nhau về “túi tiền” giữa 2 thế hệ. Tuy nhiên nhờ việc ý thức được những điều này giúp tôi có một cái nhìn đúng đắn và tìm được cách để cải thiện “túi tiền” của bản thân tốt hơn. Có thể nói, thói quen chi tiêu ảnh hưởng rất nhiều tới tình hình tài chính của chúng ta. Dù sinh ra trong thời đại nào, việc quản lý chi tiêu và biết tiết kiệm để phòng thân vẫn là điều đáng lưu tâm.

(Theo Toutiao)

Ánh Lê

Theo Phụ nữ số

undefined