Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: Nhà không có gạo nấu mà phải bỏ ống heo

12:00 | 09/11/2022

Theo nhiều bạn đọc, cơ quan soạn thảo nên hết sức cẩn trọng trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.

Lý giải cho đề xuất chỉ cho người lao động rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.

Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: Nhà không có gạo nấu mà phải bỏ ống heo - Ảnh 1.

Vấn đề cốt lõi của hệ thống quản lý BHXH là làm như thế nào để hài hòa giữa người lao động và BHXH.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có vệt bài "Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: 14% còn lại chia sẻ với ai?" và nhận được phản hồi tích cực từ độc giả. Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Quý báo cần phản hồi những ý kiến tích cực đến các cơ quan soạn thảo, đừng đẩy những cái khó cho người lao động. Luật cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp cấp bách ngay bây giờ là làm sao để giải quyết tình trạng người sử dụng lao động đang tìm các lý do không chính đáng của doanh nghiệp để sa thải người lao động có độ tuổi trên 40, nhất là ở các doanh nghiệp có sử dụng lực lượng lao động nữ rất lớn như may mặc, chế biến thủy hải sản, da giày".

Một bạn đọc tên Hoàng bức xúc: "Thật là vô lý! 14% còn lại không biết ở đâu. người lao động thì khổ, chưa kể thủ tục lu bu dài dòng, doanh nghiệp trốn, chậm đóng. Thiệt thòi ai chịu, ai giải quyết?". Bạn đọc Lê Thúy phân tích: "14% doanh nghiệp đóng là đóng cho giá trị sức lao động của người lao động cụ thể bỏ ra, đó chính là phần chi trả chế độ cho người lao động và người lao động được quyền hưởng. Việc không chi trả người lao động 14% đó là sai".

Theo bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh, luật pháp được đề ra là để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân nói chung và giai cấp đại diện nói riêng. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên hết sức cẩn trọng trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Cơ quan soạn thảo nên hết sức cẩn trọng trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương có ảnh

hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động

Một bạn đọc giấu tên chia sẻ: "Vậy thì để người lao động đóng 8% thôi, để đến lúc nghỉ thì BHXH trả lại cho người lao động, còn 14% người sử dụng lao động thì trả trực tiếp cho người lao động chứ việc gì phải đưa BHXH giữ giùm rồi cuối cùng không trả cho người lao động mà để chia với sẻ". Bạn đọc Nguyễn Thành Châu hài hước: "Nói thì nghe dễ nhưng thực tế nhà không có gạo nấu mà còn phải bỏ ống heo

Với bạn đọc Vũ Hồng Quang, cơ quan soạn thảo phải thấu hiểu nỗi khổ của người lao động. Tiền người lao động đóng và doanh nghiệp đóng đều là của người lao động đã ký kết với doanh nghiệp. Tương tự, theo bạn đọc Đình Xuân, vấn đề cốt lõi của hệ thống quản lý BHXH là làm như thế nào để hài hòa giữa NLĐ và BHXH.

Nên lắng nghe ý kiến người lao động

Theo bạn đọc Phạm Duy Biên, vấn đề ở đây là tuổi hưu cao và lương hưu thấp, chưa có sự công bằng giữa các đối tượng hưởng lương hưu. Các nhà làm luật nên lắng nghe ý kiến của người lao động để đưa ra các chính sách phù hợp và ưu việt có lợi cho nhà nước và người lao động.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Ủy ban Xã hội Quốc hội, năm 2021 số người được giải quyết trợ cấp một lần là hơn 1,06 triệu người, tăng hơn 77.000 người so với năm 2020. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới. Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.



An Chi ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Theo Người lao động

undefined