Theo số liệu từ Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), tại TP.HCM đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động (của 26 doanh nghiệp này), chiếm gần 1/5 lao động. Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình dương, tại một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da dày có tình trạng giảm đơn hàng và hàng hóa không xuất đi được dân đến các doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, giảm cả ngày làm việc thứ 7, hoạt động cầm chừng. Chính vì vậy lao động cũng giảm đi thu nhập hàng tháng ảnh hưởng đến cuộc sống, nên có một phần không nhỏ lao động tự xin nghỉ việc vì không đủ trang trải cuộc sống, một số doanh nghiệp khác lại bắt buộc phải cắt giảm lao động lên đến 30%. Một số doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động hết hạn hợp đồng, vì hiện tại đơn hàng cho năm 2023 doanh nghiệp vẫn chưa thể xác định là có hay không.
Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng.
Tình trạng lao động mất việc thời điểm cuối năm do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới đang là bài toán cấp thiết cần khẩn trương giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH).
PV: Thưa ông, trước những tác động của kinh tế thế giới, rất nhiều doanh nghiệp bị trong nước bị ảnh hưởng, gián đoạn đơn hàng, hàng chục ngàn lao động phải nghỉ việc, giãn việc, ông có nhận định gì về tình trạng này?
Ông Đào Quang Vinh: Sau khi trải qua đại dịch Covid-19, cả doanh nghiệp và người lao động đều kiệt sức, doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực do phải chống đỡ với dịch bệnh, đình trệ sản xuất, người lao động mất việc làm, mất nguồn thu, thậm chí những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng cũng đã phải bỏ ra để trang trải trong thời gian dịch bệnh.
Đến nay khi dịch bệnh đã ổn định, chúng ta kỳ vọng doanh nghiệp sẽ dần phục hồi, nhưng lại tiếp tục gặp phải cú sốc khác do tác động của những biến động kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao khiến tiêu dùng của người dân các nước khác trên thế giới đều giảm, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo nhiều doanh nghiệp, đơn hàng năm nay giảm rất nhiều. Thông thường quý 4 sẽ là thời điểm đơn hàng sản xuất nhiều nhất phục vụ cho dịp cuối năm, người lao động phải liên tục tăng ca để đảm bảo sản lượng xuất khẩu, nhưng tình trạng hiện nay khá khó khăn, dự báo tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục vào quý 1, quý 2 năm sau.
PV: Việc thị trường lao động bị đứt gãy như hiện nay liệu có bất ngờ hay đã được dự báo từ trước, thưa ông?
Ông Đào Quang Vinh: Theo dự báo từ đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh cuối năm có thể sáng sủa, nhưng có nhiều diễn biến trong quý 4 vừa rồi theo tôi đánh giá là khá bất ngờ với các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ban đầu hy vọng sẽ có nhiều đơn hàng, phục hồi và tăng trưởng nhanh trong thời gian cuối năm. Qua khảo sát của chúng tôi vào đầu tháng 7, quý 2 năm nay, thì phần lớn các doanh nghiệp đều rất lạc quan vào tình hình sản xuất kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Tuy nhiên thời gian gần đây diễn biến của thị trường không như dự báo ban đầu, có rất nhiều yếu tố bất ngờ của thị trường thế giới. Hiện nay các nước vốn nhập nhiều hàng hóa từ Việt Nam đang giảm sút do thu nhập của người dân giảm, từ đó nhu cầu hàng hóa tại các doanh nghiệp Việt cũng giảm đi.
PV: Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong thời điểm này, chúng ta cần những giải pháp ra sao, thưa ông?
Ông Đào Quang Vinh: Trong bối cảnh này, các chính sách về thị trường lao động và an sinh xã hội là hết sức quan trọng. Chúng ta cần có giải pháp làm sao để giúp doanh nghiệp cầm cự, mở rộng thị trường và có thêm đơn hàng. Ngoài ra, cũng cần có những gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp như trong thời gian dịch bệnh để giúp doanh nghiệp tiếp tục cầm cự, giữ chân người lao động, có các nguồn tín dụng để trả lương cho người lao động.
Với những lao động mất việc làm, cần có chính sách hỗ trợ để họ có nguồn thu nhập tối thiểu. Hiện nay chúng ta có thể huy động từ nguồn kết dư quỹ BHTN. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động để họ học thêm những kỹ năng mới và tìm kiếm việc làm ngắn hạn.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua như gói hỗ trợ tín dụng 2% hiện nay giải ngân vẫn rất thấp. Chúng ta cần giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có nguồn vốn duy trì sản xuất, chỉ khi sản xuất được duy trì mới tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Trong các chính sách về thị trường lao động, vấn đề quan trọng nhất là làm sao đảm bảo thị trường lao động linh hoạt hơn, giảm thiểu thời gian chờ việc, giảm thiểu thời gian người lao động thất nghiệp, kết nối nhanh cho người lao động tiếp cận việc làm.
PV: Dự báo từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023, thị trường lao động sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, thưa ông?
Ông Đào Quang Vinh: Theo như các số liệu thống kê và dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh, cuối năm nay và đầu năm sau, tình hình việc làm vẫn rất khó khăn, các doanh nghiệp và người lao động cần cố gắng tìm cách vượt qua giai đoạn này.
Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo, kết nối cung cầu lao động là rất quan trọng. Một số lĩnh vực hiện nay chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, thu hút nhiều lao động như chế biến, chế tạo thì cuối năm nay và đầu năm sau tiếp tục gặp khó khăn.
Hiện nay, các ngành có thể tiếp tục ổn định và thu hút nhiều lao động, có xu hướng tạo ra nhiều việc làm như dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp…
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo đánh giá của Cục Việc làm, tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động. Về lý do cắt giảm lao động của các doanh nghiệp là do ảnh hưởng tình hình kinh tế, tình hình biến động chung của kinh tế thế giới, các khách hàng chính của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề dẫn đến việc không có đơn hàng sản xuất, doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động. Vì vậy mà mặc dù, một số doanh nghiệp mặc dù không thực hiện cắt giảm lao động nhưng buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc hoặc dự kiến cho người lao động nghỉ Tết sớm và dài hơn mọi năm để chờ đơn hàng mới. Từ đó mà đời sống của người lao động hết sức khó khăn trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng cao.