Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

ILO: Công cuộc phục hồi thị trường lao động đang đảo chiều

12:00 | 24/05/2022

Những cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu khiến công cuộc phục hồi thị trường lao động toàn cầu suy giảm rõ rệt, đi kèm với đó là sự gia tăng bất bình đẳng trong nội tại và giữa các quốc gia...

Ảnh minh họa.


Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Thế giới việc làm vừa công bố, công cuộc phục hồi của thị trường lao động đang bị đe dọa bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.

THỜI GIỜ LÀM VIỆC CÓ THỂ TIẾP TỤC GIẢM SÂU TRONG NĂM 2022

Báo cáo nhanh số 9 của ILO cho thấy, sau khi đạt được những thành tựu đáng kể trong quý 4/2021, số giờ làm việc trên toàn cầu của quý 1/2022 đã giảm xuống, thấp hơn 3,8% so với mức trước khủng hoảng (quý 4/2019). Con số này tương đương với mức thâm hụt 112 triệu việc làm toàn thời gian. Điều này thể hiện mức giảm đáng kể so với các số liệu mà ILO đã công bố vào tháng 1/2022.

Theo ILO, những cuộc khủng hoảng toàn cầu mới và có tác động qua lại với nhau, bao gồm lạm phát (đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm), bất ổn tài chính, nguy cơ vỡ nợ và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh ở Ukraine.

Điều này đồng nghĩa với việc thời giờ làm việc đứng trước nguy cơ giảm sâu hơn nữa trong năm 2022, cũng như để lại những tác động lớn hơn đối với thị trường lao động toàn cầu trong những tháng tới.

Báo cáo cũng cho thấy rằng, sự khác biệt lớn và ngày càng tăng giữa các nền kinh tế giàu hơn và nghèo hơn vẫn là đặc điểm nổi bật của công cuộc phục hồi này. Các nước thu nhập cao ghi nhận sự phục hồi về số giờ làm việc trong quý đầu năm 2022.

Trong cùng thời kỳ, các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp hơn lại phải đối mặt với nhiều trở ngại, với tổng số giờ làm việc vẫn thấp hơn mức tiền khủng hoảng lần lượt là 3,6% và 5,7%. Những xu hướng cách biệt này có thể sẽ còn xấu đi trong quý 2/2022.

Ở một số nước đang phát triển, các Chính phủ ngày càng gặp khó do thiếu không gian tài khóa và những thách thức về tính bền vững của các khoản nợ, trong khi các doanh nghiệp phải đối mặt với những bất ổn kinh tế, tài chính, còn người lao động vẫn không được tiếp cận đầy đủ các chế độ an sinh xã hội.

Báo cáo của ILO cũng ghi nhận, hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người trong thế giới việc làm vẫn đang phải hứng chịu những tác động đối với thị trường lao động.

Chẳng hạn, thu nhập từ lao động vẫn chưa phục hồi đối với đa số người lao động. Năm 2021, khoảng 3/5 số người lao động sinh sống ở các quốc gia mà thu nhập từ lao động chưa được khôi phục lại mức từng ghi nhận trong quý 4/2019.

Số lượng công việc cần tuyển người tăng vọt tại các nền kinh tế tiên tiến tại thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khiến thị trường lao động bị siết chặt với tình trạng số lượng vị trí cần tuyển tăng cao hơn so với số người tìm việc. Nhưng nhìn chung, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy thị trường lao động đang phát triển quá nóng, bởi số lượng lao động thất nghiệp và lao động không được tận dụng đầy đủ tiềm năng vẫn ở mức đáng kể tại nhiều quốc gia.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm trầm trọng những đứt gãy trong sản xuất và thương mại, dẫn đến giá lương thực và hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình nghèo và doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những đối tượng thuộc khu vực kinh tế phi chính thức.

CÔNG CUỘC PHỤC HỒI LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM

“Công cuộc phục hồi thị trường lao động toàn cầu đã và đang ghi nhận sự đảo chiều. Một công cuộc phục hồi không đồng đều và mong manh đã trở nên bất định hơn trước sự tác động qua lại lẫn nhau của các cuộc khủng hoảng. Tác động đối với người lao động và gia đình của họ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ ở mức rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự xã hội và chính trị. Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải phối hợp cùng nhau và chú trọng xây dựng công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm”, Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder cho biết.

Báo cáo đề ra một loạt các biện pháp trong thời gian tới, bao gồm: Hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để duy trì sức mua của thu nhập từ lao động và mức sống chung của người lao động và gia đình họ.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức đối thoại ba bên để hỗ trợ điều chỉnh tiền lương phù hợp và công bằng, bao gồm tiền lương tối thiểu, tăng cường hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập, và đảm bảo các biện pháp an ninh lương thực khi cần thiết.

Điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô một cách cẩn trọng để giải quyết những sức ép liên quan đến lạm phát và tính bền vững của các khoản nợ, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi bao trùm và tạo ra nhiều việc làm.

Hỗ trợ cho các nhóm và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, những người lao động đặc biệt dễ bị tổn thương và những người đang chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.

Các chính sách theo ngành mang tính dài hạn, được thiết kế tốt nhằm thúc đẩy tạo việc làm xanh và thỏa đáng, hỗ trợ tính bền vững và bao trùm, đồng thời trợ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.


Phúc Minh

Theo VnEconomy

undefined