Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 giảm mạnh, thu nhập tăng

12:00 | 13/04/2022

Quý 1/2022, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm, thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện...

Tại Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê vừa công bố đánh giá: nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh.

Lực lượng lao động phục hồi ngay cả khi ca nhiễm COVID-19 tăng

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2022, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Về lực lượng lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 1/2022, lực lượng lao động tiếp tục phục hồi ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước không ngừng gia tăng.

Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 1/2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Đông Nam Bộ là vùng tăng mạnh nhất, với 2,1 điểm phần trăm, tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 0,9 điểm phần trăm.

Lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 giảm mạnh, thu nhập tăng ảnh 1

Lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2020-2022.

Đơn vị tính: Triệu người (Nguồn: gos.vn)

Về số người từ 15 tuổi có việc làm trong quý 1/2022, mặc dù vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm 2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 mới bắt đầu xuất hiện, nhưng đã tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động đang dần có những khởi sắc đáng ghi nhận.

Quý 1/2022, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,0 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vaccine trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần đạt được mức tăng trưởng của thời kỳ trước khi chưa xuất hiện đại dịch.

Một số ngành thuộc khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, như ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, tăng gần 399,5 nghìn người (tăng 5,8%) so với quý trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống, tăng 268,8 nghìn người (tăng 11,2%); vận tải kho bãi tăng 158,6 nghìn người (tăng 9,0%); giáo dục đào tạo, tăng 160,3 nghìn người (tăng 9,3%); hoạt động dịch vụ khác, tăng 104,6 nghìn người (tăng 11,0%).

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản không còn đóng vai trò là bệ đỡ của thị trường lao động nữa khi các ngành phi nông nghiệp phục hồi trở lại, trong quý 1/2022 số lao động của ngành này là 13,9 triệu người, giảm 426,8 nghìn người so với quý trước (giảm gần 3%) và giảm 192,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,4%).

Tỷ lệ thất nghiệp giảm

Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý 1/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, cụ thể tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước.

Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 giảm mạnh, thu nhập tăng ảnh 2
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, theo quý, giai đoạn 2020-2022. (Nguồn: gos.vn)


Cụ thể, trong quý 1/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,93%, thấp hơn 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở khu vực thành thị cao gấp 1,3 lần ở khu vực nông thôn, tương ứng là 9,30% và 7,20%.Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) ở mức cao nhưng đã giảm dần, đặc biệt tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo cũng ghi nhận giảm so với quý trước

Trong quý 1/2022, cả nước có khoảng 1,7 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 13,3% tổng số thanh niên), giảm 166,0 nghìn người so với quý trước và giảm 291,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 15,3% so với 10,1% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 15,1% so với 11,6%.

Thu nhập tăng mạnh

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 1 là 6,4 triệu đồng, đây là mức thu nhập có sự tăng trưởng mạnh so với quý trước và được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).

Tổng cục Thống kê cho rằng, thị trường lao động quý 1 đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.

Nếu như quý 3/2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng, đến quý 4/2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139 nghìn đồng so với quý 3/2021.

Bước sang quý 1 năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng).

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.

Nguyễn Nga

Theo Bizlive

undefined