Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Lương chưa tăng, người lao động đã phải lo "bão giá"

12:00 | 09/06/2022

Theo đại biểu Quốc hội, lương tăng người lao động rất mừng, nhưng đừng tăng giá. Khi lương vừa tăng, thậm chí chưa kịp tăng thì các mặt hàng ngoài chợ đã tăng cao.

Trao đổi bên lề Quốc hội về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá rất cao vai trò của Bộ LĐ-TB-XH và các bộ ngành có liên quan đã đề xuất Chính phủ để tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022.

Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động, đặc biệt là những người lao động chỉ sống nhờ lương hết sức khó khăn, vất vả, nhất là trong bối cảnh hiện nay giá thị trường tất cả đều tăng vọt.

“Giá cả hàng hóa đều tăng vọt nhưng lương không tăng nên cuộc sống của người lao động rất khó khăn. Việc tăng lương bắt đầu từ 1/7 là hết sức cần thiết, phù hợp với lòng dân và phù hợp với tình hình thực tế của đất nước”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Theo ông Hòa, mặc dù tăng lương có khó khăn cho ngân sách nhưng Bộ Tài chính đã tính toán và cân đối rất kỹ nên việc tăng lương có thể thực hiện được và không ảnh hưởng tới ngân sách. Trong khi đó, tăng lương cho người lao động sẽ tạo sự kích thích rất lớn, giúp họ hăng hái, nâng cao tinh thần làm việc, đem lại hiệu quả lao động cao hơn.

“Lương là lương tối thiểu nhưng khi thu nhập thấp thì người lao động phải “bàn tay trái, bàn tay phải” để có thêm thu nhập, ổn định đời sống. Do đó, việc tăng lương tuy không cao nhưng là một món quà tinh thần kích thích cho người lao động để họ yên tâm sản xuất kinh doanh”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống của người lao động rất khó khăn. “Tăng lương là rất cần thiết. Do đó, việc tăng lương cần được triển khai kịp thời để hỗ trợ cho người lao động trong điều kiện khó khăn hiện nay”, đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nêu ý kiến.

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng kịp thời bố trí nguồn kinh phí để sớm có thể hỗ trợ cho người lao động cũng như để doanh nghiệp biết lộ trình thực hiện. Vì đây cũng là một điều kiện giúp cho người lao động an tâm công tác cũng như gắn bó với các cơ quan, đơn vị cũng như góp phần cho việc phát triển kinh tế chung của cả nước, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, đoàn Đồng Nai cho rằng, đi kèm vói niềm vui khi biết có đề xuất tăng lương từ tháng 7/2022, người lao động cũng không khỏi lo ngại về vấn đề bão giá hiện nay.

“Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, câu cửa miệng của nhiều lao động là lương tăng rất mừng, nhưng đừng tăng giá. Khi lương vừa tăng, thậm chí chưa kịp tăng thì các mặt hàng ngoài chợ đã tăng giá. Tôi cho rằng, bên cạnh việc tăng lương, cần có các giải pháp để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, cũng như có các chính sách hỗ trợ cho người lao động phục hồi sau gần 3 năm đại dịch”, đại biểu kiến nghị./.

 

undefined