Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Lưu ý khi tự phục hồi chức năng hậu COVID-19 tại nhà

12:00 | 27/07/2022

Theo chuyên gia y tế, nếu người bệnh tự luyện tập phục hồi chức năng hậu COVID-19 tại nhà, trước hết nên luyện tập theo hướng dẫn và giám sát của các chuyên viên y tế.

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) đã tổng kết trên 200 dấu hiệu của người sau mắc COVID-19. Nổi bật là các dấu hiệu cảnh báo cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp từ nhân viên y tế, tổn thương tại phổi như khó thở; mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ, các dấu hiệu về giọng nói sau đặt nội khí quản...

Tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Bác sĩ Lê Thị Phương Dung, Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi mắc COVID-19, có rất nhiều biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải liên quan đến các vấn đề về chức năng hô hấp, chức năng tim mạch, các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh, nhận thức như suy giảm trí nhớ, chán nản, trầm cảm, có trường hợp người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó khăn trong việc thực hiện các chức năng làm việc hàng ngày. Ngoài ra, có thể người bệnh có những thay đổi về vị giác, khứu giác, có cảm giác đau, thay đổi về khả năng nghe và cũng có sự rối loạn về điều khiển bàng quang, rối loạn về khả năng tập trung, ghi nhớ và khó thở…

Ngày càng có nhiều thông tin, bằng chứng khoa học về các dấu hiệu liên quan sau mắc COVID-19, có suy giảm chức năng ở các cơ quan, đòi hỏi phải có hướng dẫn của cán bộ y tế để người dân biết, tiếp cận, xử trí, nâng cao sức khỏe, phục hồi chức năng và trở về với công việc, đời sống thường ngày.

Thực tế có nhiều bệnh nhân hậu COVID-19 lựa chọn tự tập phục hồi chức năng tại nhà thay vì đến những trung tâm phục hồi chức năng của các bệnh viện.

Theo BS Lê Thị Phương Dung, phục hồi chức năng hậu COVID-19 cho người bệnh sẽ giúp tối ưu hóa chất lượng cuộc sống của người bệnh và tối ưu hóa các hoạt động của người bệnh một cách độc lập, giảm thiểu các đau đớn cũng như những tổn thương tâm lý. Từ đó giúp người bệnh thích ứng với những thay đổi, để họ có thể hòa nhập, quay trở lại với công việc hàng ngày.

Nếu người bệnh tự luyện tập phục hồi chức năng tại nhà, trước hết nên luyện tập theo hướng dẫn của các chuyên viên y tế về phục hồi chức năng.

“Các nhà phục hồi chức năng sẽ tư vấn cho người bệnh những dạng bài cần luyện tập, cường độ luyện tập, mức độ luyện tập, sử dụng dụng cụ khi luyện tập, đồng thời theo dõi quá trình luyện tập của người bệnh. Khi luyện tập phục hồi chức năng tại nhà, nếu có khúc mắc, khó khăn gì trong quá trình thực hiện, người bệnh cần trao đổi với các chuyên viên phục hồi chức năng”- BS Dung cho biết.

Tuy nhiên, theo BS Dung, trong quá trình luyện tập, người bệnh cần có sự giám sát của một chuyên viên. Nếu quá trình phục hồi chức năng tiến triển tốt thì các chuyên viên sẽ thiết kế các bài tập mới, phù hợp với tình trạng sức khỏe tốt hơn của người bệnh để tiếp tục luyện tập. Trường hợp tình trạng sức khỏe không thay đổi, bài tập chưa phù hợp, các nhà phục hồi chức năng sẽ đánh giá lại chức năng của người bệnh đang ở mức độ nào và sẽ có thay đổi bài tập cho phù hợp với người bệnh, từ đó có thể tiếp tục ứng dụng những bài tập khác để xem quá trình cải biến phục hồi của người bệnh có tốt hơn hay không?

Bác sĩ Lê Thị Phương Dung cũng cho biết, khi mắc COVID-19, việc điều trị tùy thuộc vào từng người bệnh. Có người sẽ được điều trị tại nhà, có người sẽ đến các trung tâm điều trị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân thường xuyên được tập phục hồi chức năng, luyện tập về hô hấp, luyện tập về vận động để duy trì chức năng hô hấp, chức năng tim mạch hoặc luyện tập để được cải thiện chức năng thần kinh cơ, luyện tập về nhận thức, trí nhớ để luôn duy trì hoạt động của não bộ, nhằm giảm bớt các dấu hiệu của hậu COVID-19. Theo BS Dung, điều quan trọng là người bệnh phải có động lực, thường xuyên luyện tập hợp lý để sức khỏe đạt mức tối ưu nhất.

Theo các chuyên gia, người bệnh sau 4 tuần kể từ khi mắc COVID-19, có thể đi khám để kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 hoặc đi khám ngay khi xuất hiện một trong các triệu chứng hậu COVID kể trên kéo dài nhiều ngày và ảnh hưởng đáng kể đến chức năng sinh hoạt và hoạt động sống hàng ngày. Ngoài tư vấn về chương trình tập phục hồi chức năng, người bệnh có thể thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giá và chẩn đoán tình trạng các cơ quan, kiểm tra tình trạng viêm và đông máu nhằm điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 hiện tại và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra./.

undefined