chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Nghiên cứu dùng kinh phí công đoàn hỗ trợ lao động mất việc
12:00 | 13/01/2023
Chính phủ giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, hoặc bị cắt giảm việc làm, đặc biệt là lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 235/VPCP-KGVX ngày 12/1/2023 về việc báo cáo về tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp.
Xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc báo cáo về tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Ủy ban Quan hệ lao động nghiên cứu, khuyến nghị nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bên liên quan trong việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, việc làm.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp, trường hợp cần thiết đề xuất biện pháp hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến hết ngày 8/1/2023, đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.
Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%, chấm dứt hợp đồng lao động là 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.
Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tống số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như:TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…(chiếm 70% tổng số lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Trước tình trạng các doanh nghiệp thiếu và bị cắt giảm đơn hàng khiến người lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất với doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày.
Đồng thời, đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, tăng cường đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động; trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 hồi cuối tháng 12/2022, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tổ chức công đoàn đang nghiên cứu gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động bị mất việc, giãn việc, thu nhập giảm sâu do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.
Mức hỗ trợ một lần, dự kiến 3 triệu đồng đối với lao động bị mất việc làm; người bị chấm dứt hợp đồng với mức 2 triệu đồng, được trích từ nguồn kinh phí công đoàn.
Phúc Minh
Theo VnEconomy