Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Người mắc COVID-19 không khai báo sẽ có thể mất quyền lợi gì?

12:00 | 22/02/2022

Theo luật sư, việc không khai báo mắc COVID-19, người bệnh ngoài việc mất quyền lợi hưởng tiền trợ cấp của chế độ ốm đau thì còn có thể bị phạt tiền.Dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm mới. Để tránh tình trạng quá tải, ngoài việc tăng cường nhân viên y tế, các trạm y tế lưu động, tại nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp hỗ trợ F0 điều trị tại nhà theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" do Bộ Y tế vừa ban hành.

Đây là giải pháp phù hợp điều kiện thực tế, tuy nhiên, hiện nay, nhiều bệnh nhân không khai báo với Trạm y tế, thậm chí là cố tình che dấu tình trạng bệnh của mình và vẫn đi làm và tham gia các hoạt động xã hội bình thường.

Dưới góc độ pháp lý, nhiều luật sư cho rằng, việc làm này không những gây mất quyền lợi của người bệnh mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc hãng luật TGS, đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, theo Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra là thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh dịch Covid -19 là hành vi trái pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm mà hành vi này có thể bị xử ý hình sự theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Trường hợp hành vi này làm lây lan dịch bệnh COVID-19 thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh việc có thể phải chịu các chế tài xử lý vi phạm nêu trên, người nhiễm bệnh COVID-19 mà có ý không khai báo còn không được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Được khám và chữa bệnh miễn phí

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết thêm, tại Khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định: “Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí”. Theo quy định này thì người dân Việt Nam khi mắc bệnh dịch COVID-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí, không phải chi trả chi phí điều trị đối với bệnh này, kể cả đối với người không tham gia BHYT.

Ngoài ra, người nhiễm COVID-19 mà không khai báo còn không nhận được những sự tư vấn và trợ giúp y tế một cách kịp thời, đầy đủ và hiệu quả nhất, có thể dẫn đến những sai lầm và những hậu quả đáng tiếc trong quá trình tự điều trị.

Theo vị luật sư này, người nhiễm COVID-19 được hưởng chế độ ốm đau theo Luật Bảo hểm xã hội. Cụ thể, theo quy định tại Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động (đã tham gia Bảo hiểm xã hội (“BHXH”)) nhiễm dịch bệnh COVID-19 phải có bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (nếu điều trị ngoại trú).

Trong thời gian nghỉ việc để điều trị COVID-19, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014), và các quyền lợi khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Do đó, trong trường hợp bị nhiễm dịch bệnh COVID-19, thì người lao động cần phải khai báo với Trạm y tế phường nơi cư trú thì mới có có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật hiện hành./.

undefined