Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời, giữ ổn định thị trường lao động

12:00 | 21/12/2022

Các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động theo Công điện số 1170/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rất linh hoạt, bám sát với thực tiễn của đời sống, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm giữ vững thị trường lao động ổn định của lãnh đạo Chính phủ.

Các giải pháp linh hoạt, giữ ổn định thị trường lao động - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để có thể giữ chân được lao động để đến khi phục hồi kinh tế

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến cuối tháng 11/2022, hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động.

Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí…

Nguyên nhân là một số doanh nghiệp có đơn hàng đi các thị trường như châu Âu và Mỹ, thời điểm hiện nay, các thị trường này đang cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng lạm phát kinh tế dẫn đến những doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng hoặc thiếu nguồn nguyên liệu. Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến phải cắt giảm lao động.

Trước tình hình đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, những yêu cầu đặt ra trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ rất linh hoạt, bám sát với thực tiễn của đời sống, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm giữ vững thị trường lao động ổn định của lãnh đạo Chính phủ.

"Những chỉ đạo đưa ra trong Công điện hết sức cụ thể, phân công từng phần việc, gắn trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương. Từ đó, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc ngay lập tức để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Tôi cho rằng, một điểm rất mới trong chỉ đạo lần này là yêu cầu các địa phương phải thực sự chủ động từ nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát chế độ, chính sách cho người lao động trên địa bàn; quan tâm đến đời sống của người lao động đến sẵn sàng các giải pháp hỗ trợ tức thời theo điều kiện sẵn có của địa phương. Như vậy, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không chỉ yêu cầu các cơ quan liên quan phải vào cuộc gắt gao mà còn là sự cổ vũ, động viên, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, người lao động có niềm tin vào các chính sách hỗ trợ kịp thời", ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, từ nay tới cuối năm tình hình giảm lao động, cắt giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động có xu hướng tăng lên do tổng cầu của các nước nhập khẩu của Việt Nam giảm đi nên tổng cung cũng phải cắt giảm theo các nước. "Chính vì thế chúng ta cũng phải chuẩn bị điều kiện tốt để có thể thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với thực tiễn, giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để có thể giữ chân được lao động để đến khi phục hồi kinh tế, không bị thiếu hụt lao động, đáp ứng được yêu cầu sản xuất", ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.

Chủ động triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ, nhanh chóng ổn định thị trường lao động

Trao đổi về các công việc cụ thể các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện để triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, để giải quyết bài toán lao động mất việc cần phải tập trung rất nhiều giải pháp.

"Trước hết, có thể thấy, trong tình hình thị trường có nhiều biến động, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời để giữ cho nền kinh tế ổn định, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Các giải pháp hỗ trợ tức thời hay lâu dài cũng đều sát với thực tiễn và được triển khai nhanh chóng, chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khó khăn", ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Các giải pháp linh hoạt, giữ ổn định thị trường lao động - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên, giúp doanh nghiệp

yên tâm sản xuất kinh doanh, người lao động có niềm tin vào các chính sách hỗ trợ kịp thời

Để doanh nghiệp ổn định sản xuất, các bộ, ngành cần chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn ở thị trường ngoài nước. Cụ thể là giúp các doanh nghiệp đàm phán, kí kết, giữ được ở mức tối đa kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được ký và mở rộng thêm mặt hàng mới. Ngoài ra, cần đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tài chính, chính sách liên quan đến an sinh xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Các địa phương phải theo dõi sát tình hình biến động lao động tại các doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết mối quan hệ cung cầu lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hạ tầng cơ sở, tiền điện, tiền nước… Địa phương cũng cần có giải pháp tạo việc làm cho người lao động không may mất việc theo hình thức kết nối cung cầu, phát huy hiệu quả của các trung tâm dịch vụ việc làm…

Về phía doanh nghiệp, phải chủ động chuyển đổi sản xuất, giảm một phần lợi nhuận và các chi phí khác để chăm lo cho người lao động. Người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách giảm bớt giờ làm, làm việc luân phiên, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trước kiến nghị liên quan đến việc nên trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động mất việc trong giai đoạn này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp chúng ta đã sử dụng đến 38.000 tỷ trong tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, trong khi mục tiêu của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động bị mất việc để họ đảm bảo cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.

"Vì vậy, chúng ta không nên nghĩ đến việc dùng quỹ này để hỗ trợ lao động mất việc làm trong thời điểm hiện nay mà chỉ nên sử dụng để hỗ trợ cho người lao động mất việc khi tình thế đặc biệt khó khăn. Để giải quyết vấn đề hiện tại cần đồng bộ các giải pháp của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, người lao động theo đúng quy định của pháp luật", ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, có thể có các giải pháp linh hoạt hơn như: Nếu doanh nghiệp vẫn duy trì tồn tại phát triển thì có thể hỗ trợ bằng cách tạm hoãn đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không tính lãi, hoặc có thể trợ cấp bằng các phương pháp của thiết chế công đoàn như cho vay vốn, hỗ trợ nhà ở… để người lao động vượt qua khó khăn, thử thách.

 


Thu Cúc

Theo VGP



undefined