Nhà đầu tư đang có tâm lý không nvững vàng với đồng USD khi mối tương quan với một số đồng tiền tệ lớn khác có sự thay đổi mạnh mẽ.

Những biến động khiến thị trường chứng khoán Mỹ rung lắc trong 2 tuần qua có thể đã lắng xuống, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, một số chuyên gia Phố Wall cho rằng chính sách thuế quan của Washington có thể tác động lâu dài đến thị trường Mỹ. Cụ thể, vị thế “hầm trú ẩn an toàn” của đồng USD đã bị lung lay và vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu đang ngày càng trở nên không chắc chắn.
Nhà đầu tư đang có tâm lý không vững vàng với đồng USD khi mối tương quan với một số đồng tiền tệ lớn khác có sự thay đổi mạnh mẽ.
Steve Englander, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu G-10 và chiến lược gia kinh tế vĩ mô khu vực Bắc Mỹ tại Standard Chartered, đã nói về diễn biến này kể từ khi Washington thông báo áp thuế với một loạt nền kinh tế. Theo ông, thị trường đang mất niềm tin vào đồng bạc xanh.
Khi các nhà đầu tư rút tiền khỏi cổ phiếu và trái phiếu, họ thường tìm đến những loại tài sản được coi là an toàn trên thị trường tiền tệ.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), thanh khoản ở thị trường ngoại tệ đã tăng mạnh hơn nhiều so với thị trường cổ phiếu và trái phiếu, với tổng giá trị hàng ngày đạt 7,5 nghìn tỷ USD tính đến năm 2022.
Trong nhiều thập kỷ, đồng USD, franc Thuỵ Sĩ và yên Nhật là những lựa chọn phổ biến nhất đối với nhà đầu tư muốn tìm kiếm hầm trú ẩn khi thị trường biến động. Song, đồng yên – thước đo phổ biến của đồng USD, giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, còn đồng franc gần đây tăng lên mức cao nhất trong 14 năm.
Thierry Wizman, chiến lược gia về tỷ giá hối đoái và lãi suất toàn cầu tại Macquarie Group cho biết đợt bán tháo gần đây không phải là lần đầu tiên niềm tin vào đồng USD gặp thách thức. Diễn biến tương tự cũng xuất hiện ở những ngày đầu của cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ giữa những năm 2007. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2011 xảy ra, niềm tin vào đồng bạc xanh lại hồi phục.
Theo Wizman, tình hình ở thời điểm này có vẻ khác. Sự thay đổi trong chính sách của Washington không chỉ đe doạ đến vị thế là hầm trú ẩn an toàn của đồng USD trong thời kỳ biến động, mà còn làm giảm mức độ uy tín với vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Điều này có thể tạo ra hậu quả tiêu cực, như chi phí đi vay ở Mỹ sẽ cao hơn.
Dẫu vậy, Atul Bhatia – chiến lược gia của danh mục đầu tư trái phiếu tại RBC Wealth Management, chỉ ra rằng sự thay đổi đối với vị thế trung tâm của đồng USD trong thương mại toàn cầu sẽ không diễn ra một sớm một chiều.
Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm kể từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, sự thống trị của đồng tiền này trong thương mại vẫn không hề suy giảm. Theo dữ liệu từ Swift, đồng bạc xanh vẫn được sử dụng trong gần một nửa tổng số giao dịch toàn cầu.
Đồng USD đã chấm dứt 5 ngày rớt giá liên tiếp. Chỉ số ICE U.S Dollar tăng 0,5% vào cuối ngày 15/4, nhưng vẫn giao dịch thấp hơn 9% so với mức cao nhất trong 52 tuần vào ngày 13/1.
Với xu hướng này, Bhatia nhận định đồng USD có thể sẽ hồi phục trong ngắn hạn nhưng lại tiếp tục suy yếu. Ông cho biết, đồng USD sẽ nhận được một số động lực. Tuy nhiên, về dài hạn, các nhà đầu tư sẽ hướng đến những thị trường và đồng tiền tệ khác.
Tham khảo MarketWatch
An Chi
Theo Nhịp Sống Thị Trường