Ông Chandan Singh, Giám đốc điều hành quốc gia, Công ty Năng lượng Hitachi Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra từ ngày 14-17/4 tại Hà Nội.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Ông đánh giá như thế nào về tiến trình này?

Có thể nói, Việt Nam đang thật sự tiên phong trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực châu Á.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2021, công suất điện mặt trời tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi năng lượng gió cũng ghi nhận những bước tiến rõ rệt.
Hiện nay, với việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII (PDP8), các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo không chỉ được mở rộng đến năm 2030, mà còn được định hướng cho các mốc 2025 và 2050.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang có một chiến lược rõ ràng trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tại phiên thảo luận “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững” sáng 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G, ông Chandan Singh chia sẻ, việc liên kết lưới điện cho phép trao đổi năng lượng, giúp cân bằng cung và cầu trên các khu vực rộng lớn hơn, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo.Ngoài ra, lưu trữ năng lượng cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sự ổn định của lưới điện và đảm bảo cung cấp năng lượng một cách đáng tin cậy. Hơn nữa, hạ tầng lưới điện thông minh, được kích hoạt bởi phần mềm và công nghệ AI mới nhất, giúp tăng cường vòng đời của tài sản, cải thiện quản lý năng lượng và cung cấp dự báo tải chính xác.Theo ông Chandan Singh, trong quá trình xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi năng lượng bền vững, điện khí hóa vẫn là trọng tâm để đạt được các mục tiêu này. Lộ trình chuyển đổi năng lượng cần được rà soát và sửa đổi định kỳ dựa trên việc giám sát liên tục và đánh giá tiến độ. Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch và đầu tư vào xây dựng năng lực sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng công nghệ mới, giúp chúng ta luôn đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng. |
Vâng, xin ông cho biết thêm về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi xanh? Hơn hết, Việt Nam cần làm gì để “biến nguy thành cơ”?
Trước hết, tôi cho rằng đất nước hình chữ S xinh đẹp của các bạn sở hữu tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi – một lợi thế mà không quốc gia nào khác trong khu vực ASEAN có được ở quy mô tương đương.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang tích cực tiếp cận các công nghệ mới như điện hạt nhân nhằm đảm bảo nguồn tải nền ổn định. Tôi nhận định đây cũng chính là một quyết sách thể hiện tầm nhìn dài hạn từ các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Việt Nam.
Gần đây, chúng ta cũng chứng kiến những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khởi công dự án thủy điện tích năng Bác Ái, đặt tại huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), là một ví dụ điển hình về chuyển đổi xanh, góp phần tăng cường năng lực điều tiết hệ thống điện và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững.Còn về khó khăn, có lẽ một trong những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay đến từ sự phân bố địa lý của các nguồn năng lượng tái tạo, vốn không gần với những trung tâm tiêu thụ điện. Đây là tình trạng chung trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng điện gió và mặt trời chủ yếu tập trung tại Ninh Thuận, Bình Thuận – cách xa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là hai trung tâm phụ tải lớn nhất của cả nước. Do đó, điều này đặt ra bài toán về sự gián đoạn và khó khăn trong việc truyền tải điện năng đến nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, với công nghệ hiện tại và nhiều bài học thành công từ các quốc gia khác, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo tôi, việc kết nối lưới điện khu vực, chẳng hạn lưới điện ASEAN, thậm chí mở rộng ra quy mô châu Á, sẽ là giải pháp quan trọng giúp giảm tải áp lực truyền tải và tận dụng tốt hơn nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, những sáng kiến như lưu trữ năng lượng hay phát triển hệ thống pin lưu trữ cũng đang được Chính phủ Việt Nam tích cực nghiên cứu và triển khai, nhằm hướng tới một tương lai xanh.Diễn đàn thượng đỉnh P4G 2025 diễn ra với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của con người trong quá trình chuyển đổi xanh?
Tôi cho rằng tất cả những nỗ lực hiện nay, từ Chính phủ, khu vực tư nhân như chúng tôi cho đến các tổ chức tài chính, đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân một cách bền vững. Mục tiêu đó sẽ không thể đạt được nếu chúng ta không giúp người dân thoát nghèo, nâng cao mức sống, đồng thời vẫn đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững.
Đây chính là lý do chuyển đổi năng lượng đang nhận được sự quan tâm lớn và có thể nói Việt Nam đang có những bước đi đáng ghi nhận trong lĩnh vực này: Từ việc tập trung phát triển giao thông bền vững với nhiều tuyến metro ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đến thúc đẩy các dự án đường sắt cao tốc nhằm giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải.
Những nỗ lực này cho thấy Việt Nam không chỉ chuyển mình trong lĩnh vực năng lượng, mà còn đang từng bước giảm phát thải khí carbon trên diện rộng, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.
Hơn hết, đối với tôi, Việt Nam đã và đang tích cực hợp tác với các đối tác trong khuôn khổ P4G. Trọng tâm hiện nay là cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, củng cố niềm tin giữa các bên và xây dựng chính sách không chỉ giới hạn ở lợi ích quốc gia, mà còn hướng tới lợi ích chung của khu vực và toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
Bích Quyên
Theo Baoquocte