Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN

12:00 | 11/10/2024

Kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2024 của Bộ Công Thương cho thấy, chi phí sản xuất điện vẫn cao hơn giá bán lẻ bình quân khiến EVN lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện.

Ngày 10/10, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu này được đưa ra sau khi Bộ lập đoàn kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm ngoái của tập đoàn này. Đây sẽ là cơ sở để Bộ và EVN tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Theo đó, tổng chi phí sản xuất của EVN là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Trong đó, các khoản thu của tập đoàn và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, vật tư thu hồi và thu từ cho thuê cột điện đã được giảm trừ.

Như vậy, với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 2.006,79 đồng/kWh từ tháng 11/2023 đến nay, EVN lỗ hơn 82,1 đồng/kWh điện bán ra. Mức lỗ này giảm một nửa so với ghi nhận năm 2022.

Tính chung cả năm 2023, tập đoàn này lỗ hơn 34.245 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm về 21.822 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tập đoàn này lỗ sản xuất kinh doanh điện. Trước đó, năm 2022 EVN cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này.

Khoản lỗ của EVN chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo từ năm 2019 - 2023.

Chi phí sản xuất điện của EVN từ 4 khâu: phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ và dịch vụ phụ trợ. Tương tự các năm trước, giá sản xuất điện của EVN tăng chủ yếu do khâu phát điện, khoảng 441.356 tỷ đồng, tăng 7% so với 2022. Mức này tương ứng giá thành khâu phát điện là 1.744,12 đồng/kWh, chiếm 83,5% trong giá thành điện của tập đoàn này.

Các khâu còn lại, truyền tải, phân phối bán lẻ và phụ trợ tương ứng lần lượt 74,61 đồng; 263,87 đồng và 6,31 đồng trong mỗi kWh.

Ngoài ra, tiền bù giá cho chi phí sản xuất điện ở các huyện, xã đảo chưa có điện lưới là trên 428,5 tỷ đồng.

Năm 2023, EVN đã 2 lần được tăng giá điện, tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN, việc tăng giá vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao, số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành.

Đầu tháng 1/2024, lãnh đạo Bộ Công Thương từng kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Tuy nhiên, từ lần tăng giá gần nhất vào tháng 11/2023, cho đến nay (tháng 10/2024), EVN chưa được tăng giá điện.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của EVN cho thấy, doanh thu quý II của EVN đạt 154.046 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng là 145.518 tỷ đồng, do đó, EVN ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 8.527 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 5.900 tỷ đồng.

Nguyên nhân có thể do điều kiện thuỷ văn thuận lợi giúp chi phí sản xuất điện được tiết giảm. Bên cạnh đó, mùa nắng nóng năm nay không làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện ở mức cao, do đó ở miền Bắc không phải huy động thêm điện than, nhiệt điện dầu với chi phí cao để đảm bảo đủ điện. Theo thống kê, nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.800 đồng/kWh.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm gần một nửa còn 1.638 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng hơn 35% lên 6.594 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 19% còn chi phí quản lý không có nhiều thay đổi.

Kết quả, EVN lỗ sau thuế 1.890 tỷ đồng trong quý II/2024, trong khi cùng kỳ lỗ gần 12.511 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 282.908 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ cùng kỳ, lỗ đến 29.107 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN ở mức 52.016 tỷ đồng.

undefined