Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Để sản phẩm vùng đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu tham gia vào chuỗi cung ứng

12:00 | 12/10/2024

Thời gian qua, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước tiến quan trọng trong việc kết nối vào các kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, việc kết nối, phát triển thị trường mới chỉ đáp ứng được phần nào. Do đó, cần có thêm nhiều giải pháp để các sản phẩm này có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tại thị trường trong và ngoài nước.

Lai Châu quan tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, thương hiệu địa phương

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lê Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương Lai Châu cho biết, cùng với chính sách của Nhà nước, tỉnh Lai Châu cũng ban hành những chính sách và các cơ chế đặc thù, kế hoạch, các quy hoạch để tổ chức thực hiện như: Kế hoạch hành động về phát triển chuỗi giá trị của cây hồi; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực của tỉnh...

Hiện nay, Lai Châu hiện có 204 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng sản phẩm; nhiều cơ sở đã đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới, vươn ra thị trường cả nước, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho lao động tại địa phương.

Thời gian qua, Sở Công Thương Lai Châu phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các chương trình, hội nghị hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, kết nối các chủ thể có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn; phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước. Có thể kể đến các sản phẩm trà, hạt mắc-ca khô, mật ong, gạo dâu, thịt trâu sấy khô, thịt hun khói, ruốc cá hồi, chuối sấy giòn, đông trùng hạ thảo, mật ong và một số sản phẩm dược liệu…

Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%

nhưng Lai Châu có nhiều nông sản thế mạnh.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đã được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh. Đơn cử như sản phẩm trà Đông Phương mỹ nhân, trà ô long của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường là các sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Đưa 2 sản phẩm này tới thị trường còn giúp người tiêu dùng biết tới vùng chè nguyên liệu Lai Châu…

Ông Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Chương trình OCOP đã nâng tầm thương hiệu, sản phẩm địa phương. Như tại huyện Tam Đương, sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo dấu ấn, sức bật đối với nông nghiệp, nông thôn của Tam Đường…Để phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, công tác tuyên truyền, quảng bá đến các tập thể, cá nhân có những sản phẩm được xây dựng đạt OCOP là điều rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là tuyên truyền để những chủ thể có sản phẩm đó hiểu được khi có những mặt hàng được công nhận là sản phẩm OCOP thì lợi thế thị trường, sức mua cao hơn. Chúng tôi xác định và giúp đỡ các chủ hộ, chủ thể có sản phẩm về thủ tục hồ sơ đăng ký công nhận sản phẩm kịp thời, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm của mình…

Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi cung ứng

Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã và đang được tỉnh tăng cường thực hiện đã thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế.

Bên cạnh xúc tiến thương mại, hoạt động đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số tại thời điểm hiện nay là giải pháp quan trọng để Lai Châu phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường, đặc biệt là mở ra một phương thức bán hàng mới hiện đại và bền vững, tránh phụ thuộc vào thương lái cũng như ùn ứ nông sản khi vào cao điểm mùa thu hoạch.

Tính riêng từ năm 2021-2023, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 40 sản phẩm nông sản tham gia tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tại Hà Nội. Hỗ trợ 37 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với trên 250 lượt sản phẩm nông sản trưng bày giới thiệu tại nhiều hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản xây dựng, vận hành ổn định website bán hàng và đưa 20 sản phẩm nông sản lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh…

Theo lãnh đạo sở Công thương Lai Châu, thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương tình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương về khuyến công. Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương Lai Châu) đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, chủ động lồng ghép các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm: Gạo, chè, tinh dầu sả, hạt macca, miến dong, cà gai leo, nấm đông trùng hạ thảo…; hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến chè cổ thụ, chè xanh, hạt macca, nấm đông trùng hạ thảo, tinh bột sắn... Hàng năm các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Lai Châu được giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các tỉnh khu vực phía Bắc đã tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh nắm bắt thông tin thị trường; tìm kiếm đối tác, mở đại lý phân phối sản phẩm tại các tỉnh, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, học tập kinh nghiệm về cải tiến công nghệ, tạo ra sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng, phát triển thị trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, chủ cơ sở công nghiệp nông thôn được tham gia tập huấn kiến thức quản trị kinh doanh, thông tin thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; Tập huấn kiến thức quản lý trong xây dựng chiến lược Marketing thời 4.0; Tập huấn xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm công nghiệp địa phương… Thông qua các lớp tập huấn, chủ cơ sở công nghiệp nông thôn được trang bị các kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, nhãn hiệu, thương hiệu, cách thức tổ chức, vận hành doanh nghiệp, những nội dung cơ bản trong xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển mở rộng thị trường; được cung cấp thêm thông tin về những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Đảng và Nhà nước và cùng nhau thảo luận, trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình khởi sự doanh nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, cũng như tìm kiếm khách hàng tiềm năng trong phát triển thị trường, góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức về hoạt động kinh doanh.

Có thể khẳng định, chính sách khuyến công đã mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần củng cố thương hiệu một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Lai Châu cũng như khích lệ các đơn vị mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Những hoạt động hỗ trợ thiết thực trên đã tạo hiệu ứng tốt với sản lượng tiêu thụ nông sản của bà con tăng qua các năm và có mặt cả ở những hệ thống phân phối lớn cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.


Thanh Thủy

 

undefined