chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Khuyến công tạo sức bật cho phát triển công nghiệp nông thôn
12:00 | 14/11/2024
Hoạt động khuyến công chính là động lực, là đòn bẩy cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn địa phương đẩy mạnh hiện đại hóa thiết bị, mở rộng sản xuất. Những năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Lai Châu được quan tâm triển khai, qua đó đã có những tác động tích cực phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển sản xuất gắn với những lợi thế sẵn có của địa phương.
Lai Châu là một trong những tỉnh khó khăn thuộc khu vực miền núi phía Bắc, ngành Công nghiệp nông thôn chậm phát triển với số lượng cơ sở sản xuất ít ỏi, thủ công, manh mún. Cải thiện tình trạng này, những năm qua, đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Lai Châu quan tâm và dành nguồn kinh phí thực hiện chương trình khuyến công, thúc đẩy hoạt động sản xuất. Nhờ vậy, đời sống của người lao động, nhất là lao động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao. Với những nỗ lực bám sát và xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, khuyến công Lai Châu đã đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hoàn thành nhiều đề án đạt hiệu quả cao.
Trung tâm Khuyến công tỉnh Lai Châu nghiệm thu cơ sở đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc
tiên tiến trong chế biến nấm đông trùng hạ thảo” tại Phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu.
Theo Sở Công Thương Lai Châu, tỉnh đã rất nỗ lực triển khai các chương trình, đề án tạo lực đẩy cho ngành CNNT của tỉnh phát triển. Thời gian qua, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có điều kiện phát triển, Trung tâm Khuyến công Lai Châu đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn từ nguồn khuyến công quốc gia để thực hiện các nội dung như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong sản xuất.
Từ năm 2021 đến nay đã thực hiện 21 đề án khuyến công với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và ngân sách địa phương. Chỉ tính riêng năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 06 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 1.050 triệu đồng.
Cán bộ Trung tâm Khuyến công nghiệm thu máy sao chè tại HTX Biên Cương
Các đề án khuyến công đã triển khai tập trung vào một số nội dung như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến chè, nấm đông trùng hạ thảo, hạt mắc ca, tinh bột sắn… cho 09 cơ sở công nghiệp; Tham mưu UBND tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cho 25 sản phẩm/bộ sản phẩm của 20 cơ sở công nghiệp; lựa chọn đăng ký tham gia và được công nhận 07 lượt sản phẩm/bộ sản phẩm (Chè Ô Long, chè Đông Phương mỹ nhân của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường; gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên của Hợp tác xã Thanh Xuân)…
Thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho Hộ kinh doanh Hoàng Văn Hoan
Nội dung hỗ trợ của các đề án phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của đối tượng thụ hưởng, kết quả phù hợp với các mục tiêu đã đề ra, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, có tác động tốt đối với việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Thời gian qua, các cơ sở công nghiệp tăng đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của tỉnh, phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần. Có thể nhận thấy, chính sách khuyến công đã mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần củng cố thương hiệu một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Lai Châu cũng như khích lệ các đơn vị mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại vào sản xuất.
Hội nghị “Tập huấn xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các
sản phẩm công nghiệp nông thôn địa phương” năm 2023
Ông Dương Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Lai Châu cho biết: Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương tình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương về khuyến công. Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương Lai Châu) đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, chủ động lồng ghép các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho Hộ kinh doanh
Tăng Văn Thanh - Thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ
“Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện nhiều hoạt động khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Các hoạt động khuyến công đã đi vào nề nếp, làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và đối tượng thụ hưởng trong việc triển khai các đề án khuyến công. Đến nay, chương trình khuyến công đã được triển khai tương đối đều khắp các huyện, thành phố, số lượng đề án tăng, hoạt động khuyến công phong phú hơn”. Ông Dương Quốc Hùng chia sẻ thêm.
Thực tế cho thấy, chính sách khuyến công đã khuyến khích hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe của con người. Thay đổi cơ bản nhận thức của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong phát triển sản phẩm, một số cơ sở đã quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chú trọng đến mẫu mã bao bì. Trình độ quản lý kinh tế của các chủ cơ sở công nghiệp từng bước được nâng lên,...
Nguồn vốn khuyến công giúp các cơ sở chế biến chè trên địa bàn Lai Châu
có thêm sức bật, đầu tư máy móc thiết bị
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án khuyến công vẫn tồn tại một số khó khăn đó là năng lực của các cơ sở sản xuất còn hạn chế. Số cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc đối tượng hỗ trợ của chính sách khuyến công tại Lai Châu còn ít. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của địa phương là khai thác, chế biến khoáng sản, lâm sản và nông sản, xây dựng. Mặt khác, quy mô sản xuất của các cơ sở còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, không có nhiều mô hình điển hình, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường, công tác tìm kiếm, phát triển thị trường còn yếu đã ảnh hưởng đến việc phát triển nghề.
Để tăng cường hoạt động khuyến công trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục rà soát, đăng ký bổ sung các đề án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia theo yêu cầu của Bộ Công Thương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu tiên các đề án ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, đề án trình diễn kỹ thuật, áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững....
Đối với hoạt động khuyến công quốc gia, Trung tâm sẽ tập trung triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia khi được Bộ Công Thương giao kế hoạch kinh phí; Đối với khuyến công địa phương, Trung tâm đã và đang triển khai các nội dung hoạt động, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phong phú, đa dạng nhằm thu hút sự chú ý làm cho mọi cấp, mọi ngành và mọi người nắm được các chính sách của nhà nước về công tác khuyến công.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố để khảo sát, tìm hiểu nắm chắc nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn, đảm bảo hỗ trợ khuyến công đúng đối tượng, đúng nội dung, đúng mục đích và đạt hiệu quả. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, đề nghị các cơ quan nghiên cứu bổ sung nội dung khuyến công Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Uyên Linh