chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Ban IV kiến nghị gì để người lao động dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội?
12:00 | 16/06/2023
Có tới gần 60% người lao động tham gia khảo sát của Ban IV cho biết có nhu cầu mua nhà nhưng lại gặp phải những khó khăn khi tiếp cận chủ trương nhà ở xã hội; đặc biệt là việc đáp ứng các điều kiện về "quy định" và "tài chính".
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố báo cáo kết quả khảo sát tình hình người lao động và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Cuộc khảo sát trực tuyến thực hiện với 8.343 người lao động nhằm tiếp cận, phản ánh một bức tranh toàn diện về nền kinh tế ở thời điểm này và nửa cuối năm 2023; cũng như phản ánh thực tế một số vấn đề mà Chính phủ đang chỉ đạo trọng tâm.
Liên quan đến lợi ích "sàn sườn" của người lao động, báo cáo cho thấy, có tới 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà. Trong đó, tỷ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện “nhà ở xã hội” gần như tương đương nhau, tương ứng là 28% so với 29%.
Đáng chú ý, nhu cầu về “nhà ở xã hội” cao gấp hơn 1,5 lần so với tỷ lệ người lao động đang ở nhà ở xã hội là 18%. “Điều này cho thấy chủ trương phát triển Đề án 1 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ chỉ đạo là chủ trương được xã hội nói chung và người lao động hết sức đón nhận”, báo cáo của Ban IV nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn để người lao động có thể tiếp cận mua nhà ở xã hội. Trong đó “điều kiện để được mua nhà ở xã hội” là rào cản lớn nhất, khi có 39% người lao động tham gia khảo sát lựa chọn.
Trong đó, 3 khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động là: Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); Khó cạnh tranh suất mua (32%); Hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).
Đơn cử, nếu theo quy định tại Luật Nhà ở (năm 2014), điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là phải "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình", điều này sẽ là rào cản cho những người lao động đã có sở hữu nhà ở quê (ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa) mà muốn di cư tới tỉnh/thành phố nơi họ làm việc.
Ban IV nêu 3 kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ
Tại bản báo cáo, Ban IV tái khẳng định, chủ trương xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội là đúng đắn và cấp thiết.
Và để đạt được sự hiệu quả trong thực tế triển khai, giúp phần đông người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, 3 kiến nghị đã được Ban IV đề xuất để gửi lên Thủ tướng Chính phủ.
Thứ nhất, nghiên cứu điều chỉnh tên chương trình/đề án “"Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" thành "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho người lao động thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" đi đôi với việc giảm mạnh lãi suất cho vay và áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình.
Bởi nếu như hiện nay, chỉ có người thuộc diện “đối tượng chính sách xã hội” mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), còn đối tượng công nhân khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại.
Và đây chính là bài toán rất thách thức với số đông người lao động vì số tiền trả lãi, trả gốc hàng tháng thậm chí vượt quá 50% thu nhập của công nhân.
Nguồn báo cáo của Ban IV |
Thứ hai, xem xét cải thiện quy trình, hồ sơ, điều kiện cho vay mua nhà ở xã hội (nhà ở cho người lao động) vì đây là những rào cản rất lớn đang được phản ánh thông qua cuộc khảo sát.
Theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định "Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ NHCSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại NHCSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay".
Quy định này tạo ra một trong các điều kiện vay mua nhà ở xã hội tại các NHCSXH là đối tượng vay "Phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ gốc bình quân tháng của người vay vốn".
Trong khi phần lớn người lao động “Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu” (thông thường là 20% - 30% giá trị hợp đồng mua nhà) thì việc đặt ra yêu cầu như trên càng làm giảm mạnh cơ hội mua nhà của họ.
Hoặc các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ chứng minh "thuộc diện đối tượng cho vay" hay chứng minh về thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập, điều kiện cư trú… được nhận định là cũng rất phức tạp với phần lớn người lao động.
Cũng theo Ban IV, vai trò của doanh nghiệp có thể phát huy nhiều hơn trong câu chuyện mua nhà ở xã hội của người lao động, không chỉ xác nhận thu nhập mà còn có thể thay mặt người lao động trả khoản tiền gốc và lãi hàng tháng tương tự cách doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay.
Đồng thời, một số doanh nghiệp còn có thể bổ sung thêm cơ chế "hỗ trợ một phần tiền" để thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, giữ chân người lao động, cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong Đề án quan trọng này.
Thứ ba, Ban IV đề nghị nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nhà ở cho người lao động theo từng địa phương và ưu tiên các địa phương tập trung đông công nhân, người lao động để phân bổ chỉ tiêu phát triển dự án hợp lý, đi kèm với các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù nếu cần.
Với bảng giá đất và chi phí xây dựng như hiện nay, các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn sẽ gặp nhiều thách thức vì tổng chi phí đầu vào rất cao (ví dụ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,...).
Tuy nhiên, đây cũng lại là các tỉnh, thành phố tập trung đông công nhân, người lao động nên để chính sách phát huy được trong thực tiễn và tiệm cận được đúng đối tượng mục tiêu của chính sách thì cần phải có các quyết sách cụ thể để hỗ trợ cho quá trình phát triển nhà ở xã hội trên các địa bàn này.
Đồng thời, trong quá trình phát triển các dự án nhà ở xã hội/nhà ở cho người lao động trên từng địa phương, cần rà soát và quan tâm đặc biệt tới việc bố trí các hạ tầng nền tảng như điện, nước, trường học công lập... Bởi với mức thu nhập thấp, lại phải trả lãi/gốc tiền vay mua nhà ở xã hội hàng tháng, thì số tiền còn lại của người lao động rất khó để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chưa nói tới việc trang trải các chi phí cho con đi học tư thục, hay các vấn đề phát sinh khác.
Nguồn báo cáo của Ban IV |
Giá nhà dưới 15 triệu đồng/m2 là "ước mơ" của người lao động
Cũng liên quan đến chính sách dành cho mua nhà ở xã hội, Ban IV đã đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành, UBND các tỉnh/thành phố về việc phổ biến rộng rãi thông tin về các dự án nhà ở xã hội đến các doanh nghiệp trên địa bàn để họ có thể thông báo cho người lao động.
Theo Ban IV, người lao động mong muốn các căn nhà có diện tích nhỏ 45 - 50m2/căn hộ, giá cả dưới 15 triệu đồng/m2, lãi suất vay ngân hàng không quá 5%/năm, ổn định trong vòng 15 năm.
"Nhà nước đồng hành tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các chủ đầu tư thì việc xây dựng nhà với chi phí 15 triệu đồng/m2 là khả thi", nhóm nghiên cứu của Ban IV nhận định
Đồng thời, Ban IV cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về pháp lý và vốn cho các doanh nghiệp bất động sản, tránh tạo tình trạng đóng băng dài hạn, gây ảnh hưởng nền kinh tế nói chung.
Theo Ban IV, nên sàng lọc người mua/thuê nhà ở xã hội để tránh tình trạng người giàu nhờ đứng tên mua,rồi cho thuê. Bởi sau 5 năm họ bán ra được lợi rất nhiều. Trong khi người có nhu cầu thật không mua được, hoặc phải trả chênh lệch 100-300 triệu mới mua được.
Cuối cùng là kiến nghị liên quan đến việc cắt giảm các thủ tục hành chính, yêu cầu hồ sơ trong việc mua nhà ở xã hội, gây khó dễ cho người có hoàn cảnh thực sự cần mua nhà ở xã hội.
Theo khảo sát của Ban IV, giá nhà ở xã hội tại các thành phố lớn, đông người lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ chưa tới 40m2 có giá khoảng 900 triệu đồng. Với giá căn hộ 900 triệu, người lao động phải đóng 20% số tiền ban đầu theo quy định, thì cần vay thêm 720 triệu. Tính toán với thực tế, nếu người lao động được vay từ gói 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội với lãi suất 4.8%/năm theo Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023, thì trong vòng 20 năm, người lao động phải trả cả lãi và gốc là 4,75 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo khảo sát, về mức tiết kiệm một tháng để mua nhà với người có thu nhập trong khoảng 5 - 10 triệu thì mức tiết kiệm trung bình tháng sẽ là 2,7 triệu đồng. Như vậy, so với mức dự kiến phải trả để mua nhà với lãi suất 4,8%, phần đông người lao động vẫn không đủ tài chính. |