chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Bộ Công Thương họp khẩn về dự án thuỷ điện 102 MW ở Thanh Hóa
12:00 | 10/03/2023
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc tháo gỡ khó khăn cho dự án thuỷ điện Hồi Xuân là việc làm cấp bách để tránh lãng phí nguồn lực của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng
Ngày 9-3, Bộ Công Thương đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án thuỷ điện Hồi Xuân (ở Thanh Hoá). Buổi làm việc diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương kiểm tra thông tin báo chí nêu thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết dự án thủy điện Hồi Xuân có công suất 102 MW, dự kiến hàng năm cung cấp 328,49 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia và sẽ góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.
Hiện dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 3-2010. Qua một số lần chuyển đổi chủ đầu tư, đến hết năm 2018, dự án đã hoàn thành đạt được 93% khối lượng công việc.
"Hiện chỉ còn 7% khối lượng công việc nhưng lại dừng thi công. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho dự án này là việc làm cấp bách để tránh lãng phí nguồn lực của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng"- ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Thái Minh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VNECO, đại diện chủ đầu tư, cho biết khó khăn lớn nhất của dự án hiện là vấn đề giải phóng mặt bằng, thiếu vốn.
Theo ông Dương, chủ đầu tư dự án cam kết hết quý I/2024 sẽ hoàn thiện, vận hành nhà máy. Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, phía chủ đầu tư cho biết dự kiến trong tháng 3-2023, khi được giải quyết khó khăn về nguồn vốn sẽ bắt đầu tái khởi động công tác bồi thường.
Trên cơ sở ý kiến của các bên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh dự án đã bị dừng thi công từ 4-5 năm nay, gây hệ lụy rất lớn, phá vỡ cân đối điện Quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đánh giá tổng thể, rà soát kỹ lưỡng để tìm ra những "nút thắt" cần tháo gỡ, từ đó có kiến nghị để được giải quyết kịp thời. Cùng với đó, tập trung mọi nỗ lực để thu xếp vốn cho việc đền bù, di dời, tái định cư, xây dựng các công trình hoàn trả, tránh bức xúc từ người dân. Sau đó, hoàn thành các phần việc xây lắp còn lại nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp cùng tỉnh Hòa Bình chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trở ngại của người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án, không để bức xúc kéo dài.
Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc thu xếp vốn thực hiện đền bù, tái định cư, giải quyết những khó khăn, vướng mắc khác mà dự án đang gặp phải như đền bù, giải tỏa mặt bằng; xem xét gia hạn tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, sau khi được giải ngân nguồn vốn bổ sung, UBND các tỉnh Thanh Hoá, Hòa Bình cần chỉ đạo các cơ quan có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa chủ đầu tư dự án khẩn trương tổ chức thực hiện đền bù với các hộ dân bị ảnh hưởng, đảm bảo đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giao các đơn vị thuộc bộ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát báo cáo lãnh đạo Bộ về tiến độ thực hiện dự án từng tuần, từng tháng.
Dự án Thủy điện Hồi Xuân (Thanh Hóa) được phê duyệt vào Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã tại Quyết định số 1195/QĐ-NLDK, ngày 31-3-2005; được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII) phê duyệt tại các Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-7-2011 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng, đã đạt 93% khối lượng công việc nhưng bất ngờ lâm vào tình cảnh chậm tiến độ, thi công dở dang, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án. Trong đó, có hơn 655 ha đất trong vùng lòng hồ dự án thủy điện bị ảnh hưởng, và hàng ngàn hộ dân bị tác động. Đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù hoặc chưa có khu tái định cư khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Theo Người Lao động