chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Chỉ số PMI được cải thiện, ngành sản xuất Việt Nam vẫn suy giảm
12:00 | 02/02/2023
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm trong tháng 01/2023, tăng so với mức 46,4 điểm trong tháng 12/2022 nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm mạnh. Các điều kiện hoạt động đã xấu đi hơn trong suốt ba tháng qua…
Sáng 01/02/2023, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 01/2023.
Trong đó, có 3 điểm nhấn nổi bật: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn; Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong ba tháng; Chi phí tăng đạt mức cao của sáu tháng.
SỐ LƯỢNG ĐƠN ĐẶT HÀNG XUẤT KHẨU MỚI TĂNG TRỞ LẠI
Báo cáo nêu rõ, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn trong tháng đầu của năm 2023. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm hơn và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại. Việc làm cũng giảm chậm hơn.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào tiếp tục tăng và đạt mức cao của sáu tháng. Trước tình hình đó, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng lần đầu tiên trong ba tháng.
Dữ liệu của tháng 01/2023 cho thấy sản lượng ngành sản xuất tiếp tục giảm đáng kể, mặc dù đây là mức giảm nhẹ hơn một chút so với tháng 12/2022. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm thường là nguyên nhân dẫn đến giảm sản lượng, khi một số công ty cho biết khách hàng có đủ hàng hóa lưu kho và không cần mua hàng vào thời điểm hiện tại.
Tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 01/2023 khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cải thiện, đặc biệt là khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng. Nhờ vậy, tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ và là mức giảm nhẹ nhất trong thời kỳ giảm hiện nay.
Cũng giống như một số chỉ số khác của kỳ khảo sát, việc làm đã giảm nhẹ hơn vào tháng đầu năm. Số lượng nhân viên đã giảm tháng thứ ba liên tiếp khi yêu cầu về sản lượng giảm. Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng giảm trong tháng 01/2023 sau khi đã tăng trong tháng 12/2022, và tồn kho hàng thành phẩm đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021.
NIỀM TIN KINH DOANH ĐƯỢC CẢI THIỆN Ở MỨC CAO
Theo đánh giá của S&P Global, trong tháng 01/2023 tốc độ tăng chi phí đầu vào đã gia tăng tháng thứ năm liên tiếp và trở thành mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2022. Ở những nơi giá cả đầu vào tăng, các thành viên nhóm khảo sát cho biết nguyên nhân là do giá cả của nhà cung cấp, chi phí nhập khẩu và thuế tăng. Các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian có giá cả đầu vào tăng, nhưng các công ty sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản lại có giá cả đầu vào giảm.
Chi phí đầu vào tăng nhanh hơn khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng vào tháng đầu năm sau khi đã cố gắng giảm vào hai tháng cuối của năm 2022. Giá bán hàng đã tăng nhẹ, và tốc độ tăng là nhanh nhất trong sáu tháng.
Chi phí nguyên vật liệu, cùng với khối lượng công việc giảm đã khiến một số công ty tiếp tục giảm hoạt động mua hàng trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng đã khuyến khích các nhà sản xuất khác tăng mua hàng hóa đầu vào, từ đó hoạt động mua hàng về tổng thể hầu như không thay đổi. Mặc dù vậy, hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm trong những tháng trước đã làm giảm lượng tồn kho hàng mua.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được rút ngắn một chút sau khi đã bị kéo dài trong hai tháng trước đó. Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giúp các nhà cung cấp tăng tốc thời gian giao hàng. Niềm tin kinh doanh đã cải thiện thành mức cao của ba tháng với hy vọng nhu cầu sẽ mạnh lên trong năm, từ đó thúc đẩy tăng sản lượng. Sự nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch ở Trung Quốc là một nhân tố khác hỗ trợ cho triển vọng tích cực trên. Hơn một nửa số người trả lời khảo sát lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong thời gian 12 tháng tới.
Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết mặc dù nhu cầu hàng hóa của các công ty sản xuất ở Việt Nam vẫn còn yếu vào đầu năm 2023 khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tiếp tục giảm, đã có một số dấu hiệu tích cực từ lần khảo sát PMI này. Một trong những điểm tích cực chính trong tháng 01/2023 là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng, từ đó tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại.
Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc, cộng với những dấu hiệu cho thấy suy thoái ở Châu Âu và Mỹ có thể ít nghiêm trọng hơn dự kiến, đã mang lại niềm lạc quan về khả năng tăng trưởng ở Việt Nam. Trên thực tế, niềm tin kinh doanh đã cải thiện thành mức cao của ba tháng vào đầu năm. S&P Global Market Intelligence dự báo sản lượng công nghiệp tăng 6,6% trong năm 2023.
PMI Ngành Sản xuất Việt Nam được S&P Global thu thập từ phần trả lời cho các câu hỏi gửi cho các nhà quản trị mua hàng trong một nhóm gồm khoảng 400 nhà sản xuất. Các nhóm khảo sát được phân chia theo lĩnh vực và quy mô lao động của công ty, dựa trên đóng góp vào GDP.
Các chỉ số có giá trị từ 0 đến 100, với một kết quả trên 50 thể hiện một mức tăng tổng thể so với tháng trước, và dưới 50 thể hiện một mức giảm tổng thể.
Huyền Vy
Theo VnEconomy