Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chính phủ xác định đúng 'chìa khóa' với các chương trình mục tiêu quốc gia

12:00 | 08/06/2023

Phần trả lời của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho thấy sự trăn trở, day dứt đầy trách nhiệm với đồng bào đang sống ở vùng biên cương, đồng thời cho thấy Chính phủ đã xác định đúng “chìa khóa” để cởi nút thắt trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian tới.

Chính phủ rất trăn trở và đã xác định đúng “chìa khóa” với các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

TS Vũ Tiến Lộc - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định về phần trả lời của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng nay (7/6).

Đại biểu cho rằng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi là những vấn đề rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh. Chính vì vậy, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh không chỉ thu hút sự quan tâm của các đại biểu nêu câu hỏi mà của cả nghị trường và dư luận xã hội.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh lần đầu đăng đàn nhưng đã trả lời rất cụ thể, rõ ràng, trực tiếp, thẳng thắn, trách nhiệm và gần như đầy đặn tất cả những ý kiến của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dân tộc miền núi.

Bộ trưởng đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên chất vấn nên câu trả lời tương đối cụ thể về giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Điều này cho thấy sự trách nhiệm và cầu thị của Bộ trưởng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề một mình ngành không thể giải quyết được mà cần sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ.

Ngoài tinh thần cầu thị, còn nhiều vấn đề cần thời gian nhất định mới hoàn thiện được, nhất là những giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách. Thời gian tới, ông hy vọng Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện tốt nhất các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho biết rất ấn tượng với phần tham gia giải trình thêm của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Phó Thủ tướng đã hết sức thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Quốc hội và bà con đang sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vì việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất chậm.

Câu trả lời của Phó Thủ tướng cho thấy sự trăn trở, day dứt với đồng bào dân tộc thiểu số, những người đang sống ở vùng biên cương, đang chịu đựng nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Điều quan trọng hơn nữa là Phó Thủ tướng đã nhận diện và chỉ ra rất rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đại biểu đặc biệt quan tâm tới 2 nguyên nhân, thứ nhất là tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún ở nhiều địa phương trong cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Và thứ hai, các quy định hiện hành đang "ôm" quá nhiều nhiệm vụ về Trung ương.

Câu trả lời cho thấy sự sâu sát đặc biệt của Phó Thủ tướng, của lãnh đạo Chính phủ, của Chính phủ trong việc nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Chẳng hạn, khảo sát thực tế tại một tỉnh Tây Nguyên cho thấy cả nhiệm kỳ đầu tư 200 tỷ đồng nhưng có đến 400 dự án, mỗi dự án cỡ chừng 500 triệu đồng, ví dụ chỉ xây dựng một đoạn đường ngắn, khó có thể kết nối, việc phát huy giá trị rất kém. Chưa kể, với việc chia nhỏ tới 400 dự án, các cơ quan phải làm tới 400 bộ hồ sơ, thủ tục, nên rất mất thời gian, dẫn tới việc triển khai kéo dài.

Hơn nữa, theo đại biểu, việc chính sách "ôm" quá nhiều nhiệm vụ về Trung ương khiến giảm tính chủ động của các địa phương. Như Phó Thủ tướng chỉ ra, chương trình chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành, quá nhiều văn bản hướng dẫn (73 văn bản), cơ chế, chính sách chồng chéo, xung đột, dẫn tới lúng túng, với việc ghi nhận 339 thắc mắc ở cơ sở vì "không biết làm thế nào cho đúng". Hơn nữa, quy trình, thủ tục phức tạp còn dễ dẫn đến nguy cơ sai sót, mất cán bộ.

Đại biểu hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Phó Thủ tướng là phải đẩy mạnh phân cấp để các địa phương chủ động thực hiện những nhiệm vụ mà "chỉ có địa phương mới biết phải làm như thế nào là đúng nhất". Trước đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xây dựng quy định phân cấp về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tinh thần là tăng cường phân cấp cho địa phương, giao vốn, giao chỉ tiêu, kiểm soát hiệu quả.

Theo đại biểu, cần tránh tình trạng "cầm tay chỉ việc", Trung ương làm từng dự án đến tận từng hộ gia đình. Thực tế, trong nhiệm kỳ này, riêng với kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để giảm số lượng dự án đầu tư công (từ khoảng 10.000 dự án trong nhiệm kỳ trước xuống còn dưới 5.000 dự án trong nhiệm kỳ này), đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai.

Thời gian tới, tinh thần này cần được áp dụng mạnh mẽ cả với các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chính là "chìa khóa" để thúc đẩy triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, vừa bảo đảm tiến độ, vừa bảo đảm chất lượng, vừa phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các địa phương, vừa phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Dư địa chính sách còn rất lớn nhờ thành tựu ổn định vĩ mô

Về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng năm 2022 đã khép lại với thành quả ấn tượng. Chúng ta vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 8% - gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới và 2 lần so với châu Á. Việt Nam trở thành một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2023 còn rất nhiều khó khăn, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực hơn trong những tháng gần đây.

Nguyên nhân chính của tình trạng nói trên, một phần là do nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển, thị trường xuất khẩu chủ yếu của chúng ta, tăng trưởng chậm lại, phần khác là do thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta gây tác động dây chuyền, khiến sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cá nhân ông và cử tri trân trọng những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như một vị đốc công, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đột phá vào tảng băng "né tránh trách nhiệm, lo sợ oan sai" của chính quyền các cấp.

"Trong 5 tháng đầu năm mà cần đến gần cả ngàn các quyết định cá biệt, chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng và các chuyến đi thị sát dồn dập của Thủ tướng và các tổ công tác để đôn đốc triển khai công việc, đó là một cố gắng lớn. Tôi và các cử tri đánh giá rất cao nỗ lực này", ông nói.

Cùng với đó, đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công và làm sống lại nhiều dự án trọng điểm đã bị đắp chiếu, nằm im trong cả thập kỷ; việc NHNN đã dũng cảm đi ngược chiều với thế giới để thực hiện 3 đợt giảm lãi suất liên tục, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Dù vậy, liều lượng của các chính sách kể trên còn chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ còn chậm trễ. Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn, bởi lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh, cán cân thương mại đang thặng dư lớn (5 tháng đầu năm chúng ta xuất siêu 9,8 tỷ USD), còn nợ công mới ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc hội quy định.

"Với những thành tựu rất ấn tượng trong ổn định vĩ mô, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ, giảm bội chi trong thời gian vừa qua, dư địa của các chính sách tài khoá – tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khoá của chúng ta còn lớn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp", ông nói.

Về dài hạn, vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan toả trong nền kinh tế. Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.

Mặt khác, thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lại một lần nữa đang là vấn đề cấp bách phải được đặt ra. Đại biểu ấn tượng và đánh giá cao việc ngay sau phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 31/5, tới ngày 1/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị và lắng nghe của lãnh đạo Chính phủ.



Hòa An

Theo VGP


undefined