Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đại sứ châu Âu: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để vượt qua thách thức, hướng tới tăng trưởng xanh"

12:00 | 14/06/2023

Việt Nam là quốc gia đi sau trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng có thể lựa chọn công nghệ tốt hơn và tận dụng cơ hội tốt hơn để chuyển đổi số và chuyển đổi xanh…

Đại sứ Pier Giorgio Aliberti.

Đại sứ Pier Giorgio Aliberti.

Chia sẻ với báo giới trước thềm Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 diễn ra ngày 14/6, ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa tại châu Âu đã diễn ra từ cách đây rất lâu.

“Chúng tôi lúc trước cũng đối mặt với nhiều thách thức song không có nhiều lựa chọn. Bây giờ, một quốc gia đi sau như Việt Nam có thể kế thừa những công nghệ tốt hơn và khả năng tận dụng chuyển đổi số tốt hơn để thúc đẩy chuyển đổi xanh”, ông Pier nói.

Song điều quan trọng nhất, theo Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, là vấn đề nhận thức về biến đổi khí hậu và những nguy cơ mà phát thải khí nhà kính gây ra.

Cam kết hướng tới lượng phát thải khí nhà kính bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc nỗ lực theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh. Song điều quan trọng là cần hành động chuẩn ngay từ khi bắt đầu song hành quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Để làm được điều này, ông Pier cho rằng Việt Nam có thể ứng dụng giải pháp số để quá trình chuyển đổi hiệu suất và hiệu quả hơn, đồng thời xúc tiến việc bảo vệ môi trường.

“Việt Nam có thể sử dụng những công cụ khác nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chẳng hạn, trong tiêu dùng các bạn có thể nghĩ tới sử dụng năng lượng hiệu suất hơn thông qua các giải pháp số”, ông Pier nêu quan điểm.

Chia sẻ về kinh nghiệm của châu Âu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp - những ngành có thể mạnh ở Việt Nam, ông Pier cho biết châu Âu có chương trình quan trắc trái đất tên là Copernicus.

“Từ vệ tinh, chúng tôi có thể quan sát độ che phủ rừng và dựa vào đó chúng tôi hạn chế được hiện tượng mất rừng. Đây là vấn đề then chốt khi các bạn muốn sử dụng rừng và nông nghiệp để thúc đẩy phát triển”, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực năng lượng, ông Pier cho rằng Việt Nam cần mạng lưới truyền tải tốt hơn, thông minh hơn để kết nối với các nguồn năng lượng tái tạo.

Điều này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư nhiều hơn song Liên minh Châu Âu mong muốn hỗ trợ Việt Nam thông qua cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng. Theo đó, các nhà đầu tư châu Âu có thể phối hợp với các đối tác khác cũng như Việt Nam để cùng chuyển đổi cho tốt hơn. Chẳng hạn như việc tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo, cho lưu trữ điện bằng pin để Việt Nam tăng sử dụng năng lượng tái tạo qua mạng lưới truyền tải.

“Chúng tôi hiểu đây cũng là những thách thức nhưng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bạn, thông qua nỗ lực chung để đạt được những kết quả mà chúng ta đều mong muốn trong việc hạn chế biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, Đại sứ Pier nhấn mạnh.

 


Anh Nhi
Theo VnEconomy

undefined