chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Đang trình dự thảo nghị quyết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
12:00 | 17/01/2023
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025.
“Bất định”, “phức tạp”, “khó lường” là những cụm từ mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dùng để đánh giá về tình hình kinh tế thế giới năm 2022 và dự báo năm 2023.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một nền kinh tế có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.
“Là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng, Nhà nước về các nội dung phát triển kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) càng đặc biệt lưu tâm đến công tác theo dõi, dự báo tình hình bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn
Theo Bộ trưởng, năm qua, dù tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo, tác động của đại dịch COVID-19 lên đời sống kinh tế xã hội tiếp tục kéo dài, kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch nhưng lại phải tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ, nhất là xăng dầu biến động mạnh.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội.
“Để vượt qua những khó khăn, đạt được những thành quả tốt là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế”, ông Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
Tuy vậy, sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...
“Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Tại Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, các thị trường xuất khẩu, đối tác lớn bị thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tình hình lao động việc làm bị ảnh hưởng, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cho nghỉ tết sớm…
Trong bối cảnh đó, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Dòng vốn, thanh khoản của nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là một quốc gia đang trong hành trình đổi mới và hội nhập với thế giới, từng bước cố gắng thu hẹp khoảng cách và bắt kịp với các nước phát triển trong khu vực. Nền kinh tế có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.
Chính vì vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, Bộ trưởng cho rằng, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 trên tinh thần đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả.
“Cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.
Là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng, Nhà nước về các nội dung phát triển kinh tế xã hội, Bộ KH&ĐT càng đặc biệt lưu tâm đến công tác theo dõi, dự báo tình hình bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.
“Bộ KH&ĐT đã tổ chức, đầu tư bài bản cho các đơn vị, chuyên gia thực hiện các phân tích định lượng và sử dụng các loại mô hình khác nhau để thực hiện dự báo. Bộ KH&ĐT cũng thường xuyên trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để nắm bắt kịp thời, sát thực nhất tâm lý, kỳ vọng của thị trường - vốn là những nội dung quan trọng quyết định “chất lượng” phân tích và dự báo” Bộ trưởng nêu rõ.
Tiếp tục đề xuất nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp
Một trong những vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng băn khoăn và lo lắng là năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu,…
Thực hiện phương châm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp nói riêng, cho nền kinh tế nói chung, hiện Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, bao gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong ngắn hạn và nhóm giải pháp trong dài hạn.
Trước mắt, có giải pháp phù hợp hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
“Xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Về dài hạn, Bộ KH&ĐT sẽ trình, tham mưu Đảng và Nhà nước xem xét ban hành các chính sách; tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực. Cùng với đó, các chính sách sẽ tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao sẽ giúp tạo ra sức bật nhanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp tạo ra các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trong tương lai.