Thực tế cho thấy, các khu vực thị trường FTA mới này đã tạo cơ hội gia tăng giá trị cho nhiều loại hàng hoá tiêu dùng có thế mạnh của Việt Nam. Việt Nam đã “tranh thủ” khá tốt ưu đãi thuế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đó là khẳng định của cả cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và chuyên gia sau hơn 3 năm thực thi các cam kết từ hiệp định này kể từ đầu năm 2019, khi CPTPP chính thức có hiệu lực.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP trong 10 tháng năm 2022 đạt hơn 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng mặt hàng dệt may xuất khẩu sang Canada tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ. Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu sang 4 thị trường khu vực châu Mỹ trong CPTPP (gồm Canada, Mexico, Peru, Chile) đã chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, Việt Nam mới chỉ có FTA song phương với Chile (từ năm 2014). Nhờ vào lợi thế ưu đãi thuế quan từ hiệp định CPTPP đã đem lại nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt khai thác xuất khẩu sang các thị trường mới này.
“Cụ thể như đối với Canada là một thị trường phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, với dung lượng nhập khẩu của thị trường Canada vào khoảng 500 tỷ USD/năm, Canada lại là một quốc gia có tương đối đông dân nhập cư, điều này cũng sẽ đem lại tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm… Hay Mexico cũng là một thị trường có sức mua tương đối lớn - với dân số khoảng 120 triệu người và dung lượng nhập khẩu hàng năm khoảng 400 tỷ USD. Tương tự như vậy với thị trường Peru, khoảng 75% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - phù hợp với cách tiếp cận cũng như quy mô của các DN Việt của chúng ta tại thị trường này. Và đây cũng có thể là cửa ngõ để chúng ta thâm nhập sang các khu vực thị trường khác ở các nước láng giềng của Peru như là Brazil, Bolivia”, bà Võ Hồng Anh đánh giá.
Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng trưởng trên 22,3% trong 10 tháng của năm 2022 với kim ngạch hàng hoá đạt hơn 39,4 tỷ USD. Hàng loạt mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: dệt may, giày dép, đồ gỗ và nhóm hàng điện tử đều có mức tăng trưởng cao. Nhóm nông, lâm thuỷ sản cũng có tăng trưởng rất tích cực, trong đó một số mặt hàng (gạo, thuỷ sản) trước đây vốn khó thâm nhập được vào thị trường EU thì sau khi có EVFTA - nhờ các cam kết hạn ngạch thuế quan đã xuất khẩu được vào thị trường này.
Thêm một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nữa là Hiệp thương mại thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA). Qua gần 2 năm có hiệu lực (Hiệp định được áp dụng tạm thời kể từ đầu năm 2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021), mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt tăng trưởng cao, ở mức 2 chữ số. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết thực tế, những tháng cuối năm 2022 rất nhiều ngành sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu gặp khó khăn do áp lực lạm phát khiến đối tác hoãn/huỷ đơn hàng cũ, giảm đơn hàng mới… song, ở các thị trường có FTA như thị trường Anh ít bị ảnh hưởng hơn. Cùng với đó là cơ hội nhập khẩu nguyên phụ liệu có chất lượng cho sản xuất hàng XK từ các thị trường FTA mới.
“Đối với thị trường mà có FTA thì mức độ suy giảm nhẹ hơn so với các thị trường khác. Thứ hai, nguyên phụ liệu luôn luôn là một trong những chủ đề nóng mà không chỉ ngành da giày mà đối với các ngành khác nữa. Bởi vì đó là một trong những động lực để giúp chúng ta gia tăng được giá trị cho sản phẩm…”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp Việt đã hướng đến thị trường có FTA mới, trong đó có thị trường UKVFTA như một kênh để đa dạng hóa thị trường, phát triển mở rộng sản phẩm. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu cũng như các yêu cầu của thị trường, mới có thể tận dụng được cơ hội từ hiệp định mang lại.
“Vương Quốc Anh có tiêu chuẩn cao, bản chất nó không phải hàng rào mà là tiêu chuẩn của họ, tức là thu nhập của họ cao, tư duy của họ đối với môi trường, lao động cũng khác thì nó có sự khác biệt, chúng ta cần phải chú ý đối với vấn đề này. Có thể nói, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa quen nên cũng cần phải có thêm thời gian để thích ứng”, ông Ngô Chung Khanh nói.
Với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022, mặc dù chưa phải là một hiệp định tiêu chuẩn cao, song FTA mới này cũng đã đem lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp – qua khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến: “Xét về thị trường chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản của cả nước. Tham gia RCEP các doanh nghiệp nông nghiệp có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng ta có lợi thế như: gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ… RCEP được đánh giá không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu, nhưng với những quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các đối tác. Với người sản xuất, RCEP đem đến cơ hội nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, đa dạng về nguồn cung ứng và chất lượng với giá thành rẻ hơn, như máy móc thiết bị, vật tư, phân bón...”.
Rõ ràng, bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mới mang lại, hàng hoá của Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều quy định ngặt nghèo hơn từ các thị trường FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao.
Theo bà Vũ Chi Mai, chuyên gia tư vấn năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), với một nền kinh tế mở như Việt Nam, khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA… nhất là để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường.
“Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Các sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ phải qua rào cản về biên giới Carbon của châu Âu, và những sản phẩm này thì cũng phải đáp ứng yêu cầu này của EU, và do vậy việc giảm sâu năng lượng cho từng sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ được áp dụng…”, bà Vũ Chi Mai phân tích.
Đồng quan điểm này, các chuyên gia thương mại quốc tế nhấn mạnh việc nhiều đối tác FTA đang ngày càng đẩy mạnh thực thi và giám sát thực thi các Chương liên quan đến cam kết về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, lao động, việc làm và phát triển bền vững… Do đó, thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là phải tuân thủ quy trình sản xuất xanh để có được các sản phẩm xanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, qua đó cũng giúp cho Việt Nam phát triển xuất khẩu bền vững hơn./.