chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Gói hỗ trợ lãi suất 2% tắc nghẽn, mới chỉ giải ngân được hơn 0,081%
12:00 | 13/12/2022
Trước mắt, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất thay đổi các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy việc giải ngân...
Ảnh minh hoạ
Tại Nghị quyết số phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các địa phương đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp phù hợp.
Theo đó, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Cùng đó, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.
Trước đó, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trong khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần trước đó đốc thúc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất.
Gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ công bố hồi tháng 5/2022 tương tự như các gói hỗ trợ lãi suất cách đây 10 năm. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định; ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay.
Điều kiện để hỗ trợ là khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Với kế hoạch đăng ký, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022, tương đương số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 8 /2022, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân được hơn 13 tỷ đồng, trong tổng số hơn 16.035 tỷ đồng phân bổ ở năm 2022.
Báo cáo ban đầu từ các ngân hàng thương mại, một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc giải ngân chậm gồm: Khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay (nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ,…); và nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, cũng tại Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu để tạo động lực tăng trưởng.
Vũ Phong
Theo VnEconomy