Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Hệ thống điện không còn công suất dự phòng: Năng lượng tái tạo chưa đủ mạnh

12:00 | 24/05/2023

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã làm hết sức, huy động mọi nguồn để đảm bảo cung ứng điện. Tuy nhiên, mọi việc khó có thể nói trước nếu nắng nóng vẫn kéo dài và thủy điện tiếp tục cạn nước. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng năng lượng tái tạo chưa giải quyết được vấn đề.

Về giải pháp đảm bảo điện trong bối cảnh hệ thống không còn dự phòng, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, tập đoàn đang dồn sức, làm mọi cách để đảm bảo cung ứng điện. Cụ thể, tập đoàn đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7, thủy điện Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống. Tại khu vực phía Nam, thời gian qua các nhà máy nhiệt điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí đắt đỏ) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau, với giá thành hơn 6.000 đồng/kWh, đã được huy động phát lên lưới với sản lượng lớn.

Hệ thống điện không còn công suất dự phòng: Năng lượng tái tạo chưa đủ mạnh - Ảnh 1.

Một dự án điện gió tại Bình Thuận. Ảnh: Như Ý

Với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất mức giá tạm thời tuân thủ theo quy định của Chính phủ. Đến nay, EVN và chủ đầu tư một số nhà máy điện chuyển tiếp như Nam Bình 1, Viên An, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Hiệp Thạch, Hướng Hiệp 1 thỏa thuận, thống nhất giá theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở để các dự án này kịp thời vận hành phát điện lên lưới điện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia ngành điện cho rằng, có một nghịch lý hiện nay là dù đang thiếu điện nhưng vẫn còn hơn 4.000 MW của các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) vẫn không thể được huy động do còn nhiều vấn đề về pháp lý, mà chủ yếu xuất phát từ chính các chủ đầu tư. Cụ thể, ngoài việc thiếu thủ tục hồ sơ, các dự án có nhiều vi phạm về quy hoạch, thiết kế… nên EVN, thậm chí Bộ Công Thương cũng như cả Chính phủ cũng không thể hợp pháp hóa các sai phạm của các dự án này bằng việc ký hợp đồng mua điện.

Ngoài ra, một trong những lý do các dự án điện năng lượng tái tạo không được huy động cũng do giá bán của các dự án này ‘ngất ngưởng” so với giá bán hiện tại của EVN. Điều này đồng nghĩa, càng mua điện giá cao, EVN càng lỗ lớn, đặc biệt trong bối cảnh đang bị lỗ gộp gần 50.000 tỷ đồng hiện nay.

“EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ các công trình tăng cường năng lực truyền tải Bắc - Trung; các công trình đấu nối và giải toả nguồn thuỷ điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên; các công trình tăng thêm khả năng truyền tải, nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào”, ông Nhân cho hay.

Cũng theo lãnh đạo EVN, đáng chú ý, các nhà máy thủy điện của Lào gồm Nhà máy thủy điện Nậm Kông 2 (66MW) và Nậm Kông 3 (54MW) - đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước đây - đã đóng điện hoà lưới thành công. Ngày 15/5/2023, cả 2 nhà máy đã hoàn thành hòa lưới điện và đang thực hiện các hạng mục thử nghiệm trên lưới điện Việt Nam. Dự kiến cả 2 nhà máy này sẽ vận hành thương mại trong tháng 5/2023, bổ sung nguồn điện cho Việt Nam trong mùa nắng nóng.

“Đến giờ EVN đã làm hết sức, tất cả các dự án năng lượng tái tạo có thể huy động được, đáp ứng đầy đủ hồ sơ pháp lý là đều được EVN huy động bằng hết. Thực tế thời gian qua cho thấy, năng lượng tái tạo chỉ là nguồn bổ sung cho hệ thống điện Việt Nam, chứ không thể là nguồn cứu cánh cho thiếu điện”, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho hay. Đại diện EVN cũng cho rằng, mọi việc khó có thể nói trước nếu nắng nóng vẫn kéo dài và thủy điện tiếp tục cạn nước như hiện nay. Bằng chứng rõ nhất là với điện gió, do hiện vào mùa kém gió, các nhà máy điện gió chỉ hoạt động đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy nên dù có công suất đặt lớn nhưng hiệu quả cho phát điện không nhiều.

Phải minh bạch, theo sát giá thị trường

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, đến 2050, hệ thống điện của Việt Nam có quy mô rất lớn, trong đó chủ yếu là phát triển năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng cam kết tại COP26. Với các nhà máy nhiệt điện than, hiện chiếm hơn 30% tổng công suất, sẽ chuyển dịch dần sang sử dụng các nhiên liệu khác thay thế.

Với các dự án điện gió, điện mặt trời không kịp hưởng ưu đãi giá FIT của Chính phủ hiện nay, sẽ cần phải có các giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và các địa phương về phát triển hạ tầng và lưới điện để đấu nối cho các dự án này đi vào vận hành sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định.

Cũng theo ông Dương, để chuyển dịch sang năng lượng sạch như theo Quy hoạch điện VIII mới được Thủ tướng phê duyệt, quan trọng nhất chính là giá điện phải theo sát chi phí và phải minh bạch, theo sát giá thị trường. Các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ được tính đủ chi phí đồng thời có các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp có lãi để đầu tư. Việc này đòi hỏi quyết tâm rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành trong việc điều hành giá của nhiều năm.

 


Phạm Tuyên

Theo Tiền Phong

undefined