chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
IMF: Biến động ngành ngân hàng sẽ gây tổn hại mạnh đến tăng trưởng kinh tế Mỹ
12:00 | 12/04/2023
Năng lực cho vay của các ngân hàng Mỹ được dự báo giảm khoảng 1% trong năm nay do cổ phiếu của nhiều ngân hàng sụt giảm bởi nhà đầu tư đánh giá lại “sức khỏe” của các ngân hàng quy mô trung bình.
IMF dự báo kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất của thế giới, sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, giảm đáng kể từ mức 2,1% của năm 2022.
Tình trạng thắt chặt tín dụng có nguyên nhân từ vụ sụp đổ 2 ngân hàng quy mô trung bình của Mỹ mới đây sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF cảnh báo lãi suất tăng cao tiềm ẩn rủi ro với hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo WSJ, năng lực cho vay của các ngân hàng Mỹ được dự báo giảm khoảng 1% trong năm nay do cổ phiếu của nhiều ngân hàng sụt giảm bởi nhà đầu tư đánh giá lại “sức khỏe” của các ngân hàng quy mô trung bình, IMF nhấn mạnh trong báo cáo ổn định tài chính toàn cầu công bố vào ngày thứ Ba. Việc tín dụng suy giảm về quy mô dự kiến sẽ lấy đi ước tính 0,44% tăng trưởng GDP Mỹ năm 2023.
“Bởi các ngân hàng khu vực và ngân hàng nhỏ tại Mỹ chiếm khoảng 1/3 tổng tín dụng ngân hàng, việc điều kiện tín dụng bị thắt chặt sẽ ngay lập tức ảnh hưởng rõ ràng lên tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính”, IMF nhấn mạnh.
Trong một báo cáo riêng rẽ công bố ngày thứ Ba, IMF dự báo kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất của thế giới, sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, giảm đáng kể từ mức 2,1% của năm 2022. IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mốc 3,4% của năm ngoái khi mà các nước đang hồi phục dần từ quá trình suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 và căng thẳng Nga – Ukraine.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, chững lại đáng kể so với con số 3,4% của năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được hỗ trợ bởi Trung Quốc bởi nước này đang mở cửa nền kinh tế sau khoảng thời gian phong tỏa kéo dài do đại dịch COVID-19 vào năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát tại Trung Quốc tháng 3/2023 hạ nhiệt đến tháng thứ 2 liên tiếp, đây có thể coi như dấu hiệu thận trọng về quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ.
Những rủi ro với kinh tế toàn cầu bao gồm lĩnh vực ngân hàng có nhiều biến động, lạm phát cao và lãi suất tăng mạnh, IMF nhấn mạnh.
Ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ trong tháng 3/2023 khi mà người gửi tiền rút tiền ra khỏi ngân hàng trong bối cảnh ngân hàng này thua lỗ nặng nề với các khoản đầu tư dài hạn vào trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Những loại tài sản này được mua khi mà lãi suất vẫn còn quá thấp giờ đây mất giá trị khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Giới chức quản lý Mỹ đóng cửa ngân hàng Signature Bank trụ sở tại New York sau khi những nỗi lo liên quan đến ngân hàng này liên quan đến nhiều ngân hàng khác. Trong cùng tháng, giới chức quản lý ngành ngân hàng Mỹ đã cố gắng ngăn được sự suy giảm niềm tin trong hệ thống ngân hàng bằng việc yêu cầu UBS Group AG thâu tóm bắt buộc tổ chức tài chính Credit Suisse Group AG.
Những vụ việc sụp đổ này không khỏi khiến những người gửi tiền lo lắng về “sức khỏe” của các ngân hàng nhỏ và quy mô trung bình. Trong vòng chỉ vài ngày sau khi ngân hàng SVB sụp đổ, 25 ngân hàng lớn nhất Mỹ có thêm 120 tỷ USD tiền gửi. Tất cả những ngân hàng ngoài nhóm 25 ngân hàng lớn nhất Mỹ mất đi 108 tỷ USD tiền gửi trong cùng giai đoạn, đây là mức sụt giảm lớn nhất của tiền gửi ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây.
Diễn biến về tiền gửi như vậy có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến các cộng đồng mà nhóm ngân hàng nhỏ này phục vụ nếu tín dụng sụt giảm. Các ngân hàng có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền và thậm chí có thể phải dự trữ nhiều tiền mặt hơn phòng trừ các vụ việc tương tự trong tương lai và ngăn tình trạng thắt chặt tín dụng.
Các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Mỹ có thể sẽ đương đầu với cú sốc hoặc rơi vào suy thoái trong năm nay do tình trạng tín dụng tại các ngân hàng nhỏ suy giảm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào ngày thứ Ba tuy nhiên khẳng định kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt sau những biến động ngân hàng.
“Ở giai đoạn này, thực sự tôi chưa nhìn thấy bằng chứng cho thấy sự suy giảm tín dụng dù rằng đó có thể là một khả năng. Tôi tin hệ thống ngân hàng vẫn vững vàng. Chính vì vậy tôi không dự báo về quá trình suy giảm của nền kinh tế dù rằng đó có thể vẫn là một rủi ro”, bà Yellen nhấn mạnh.
Trong tháng trước, Fed nâng lãi suất 0,25% nhằm kiềm chế lạm phát thông qua việc “hãm phanh” kinh tế tăng trưởng. Chủ tịch Fed Powell cho biết ông sẽ theo dõi những dấu hiệu cho thấy tín dụng thắt chặt đang khiến cho kinh tế chững lại, điều đó đồng nghĩa Fed sẽ không cần phải nâng lãi suất quá mạnh tay.