Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Khẩn trương trình ban hành nghị định “gỡ rối” gói hỗ trợ lãi suất 2%

12:00 | 15/02/2023

Những cập nhật mới nhất cho thấy chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có mức độ giải ngân gần như không đáng kể, trong khi quy mô nguồn hỗ trợ ngân sách lên tới 40.000 tỷ đồng.

 

Hỗ trợ lãi suất còn nhiều vướng mắc...

Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trong tháng 02/2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.

Nghị quyết giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Như thông tin cập nhật thời gian qua, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào tháng 5/2022, NHNN nhanh chóng có hướng dẫn và tổ chức triển khai nhưng kết quả thực tế rất hạn chế.

Tuy nhiên, các kỳ cập nhật sau đó cho thấy chương trình hỗ trợ này có mức độ giải ngân gần như không đáng kể, trong khi quy mô nguồn hỗ trợ ngân sách lên tới 40.000 tỷ đồng, dự kiến áp dụng cho hai năm 2022 và 2023, hoặc sớm giải ngân hết gói.

Theo NHNN, kết quả giải ngân hỗ trợ chưa như kỳ vọng là do quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, một số khách hàng không muốn tham gia hỗ trợ lãi suất do e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đặc biệt, ngân hàng và khách hàng đều khó đánh giá, xác định “khả năng phục hồi” theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại và khách hàng đều gặp khó khăn trong việc xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau, khó bóc tách mục đích được hỗ trợ lãi suất và mục đích không được hỗ trợ lãi suất.

Xem lại điều kiện "Có khả năng phục hồi"

Trước những vướng mắc trên, NHNN đã có tờ trình gửi Chính phủ, cùng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 về cơ chế trên.

Trong đó, NHNN tập trung và nêu hướng sửa đổi quy định khách hàng “có khả năng phục hồi” là khách hàng đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) theo quy định hiện hành.

Theo đó, sửa đổi Khoản 4 Điều 3 Nghị định 31 như sau: “Khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất. Khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi là khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này”.

Theo Nhà điều hành, để tạo điều kiện thông thoáng, dễ thực hiện cần hướng dẫn “có khả năng phục hồi” nghĩa là “đáp ứng điều kiện cho vay”, thay vì các tiêu chí cụ thể khác.

Lý do, thứ nhất, tạo thuận lợi cho NHTM và khách hàng trong triển khai chính sách. NHTM và khách hàng không cần xem xét các tiêu chí khác mà chỉ cần đáp ứng các quy định hiện hành về điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Thứ hai, nếu hướng dẫn “có khả năng phục hồi” theo các tiêu chí cụ thể khác (tiêu chí định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, hoặc tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng…) thì cũng không giải quyết được căn cơ vướng mắc thực tế của cả NHTM và khách hàng.

Căn cơ vướng mắc, theo NHNN cho biết là bản thân nhiều khách hàng không dám khẳng định phục hồi trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.

Trường hợp khẳng định các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các NHTM và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách.

Trần Thúy

Theo Bizlive

Triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất: Kỳ vọng vực dậy “sức khỏe” doanh nghiệp  | Kinh tế | Báo Sài Gòn Giải Phóng

undefined