Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Kinh tế TP.HCM năm 2022 – 2023 còn dư địa phát triển

12:00 | 24/11/2022

"Điều quan trọng là tìm dư địa để tập trung phát triển và phải nhìn thấy những cái phát sinh trước mắt, có đánh giá đúng để đưa ra giải pháp hợp lý, hiệu quả, chứ không để bị động"…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã đúc kết như vậy, tại phiên họp mới đây chuẩn bị cho báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022, kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023.

“ĐIỂM SÁNG” PHỤC HỒI KINH TẾ HẬU COVID

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai về tình hình thực hiện niệm vụ kinh tế - xã hội Thành phố năm 2022, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.

Tính theo số liệu thống kê đến tháng 8/2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố tăng 9,44% so cùng kỳ (cùng kỳ 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 6% - 6,5%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 9,77%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,49% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,45%); khu vực dịch vụ tăng 9,88% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,97% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,84%%)…

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2022 ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 1,0%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,95).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tổng doanh thu du lịch… đều đạt mức khá. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận lĩnh vực công nghiệp là “điểm sáng” của kinh tế TP.HCM trong năm 2022, và nhận định: Thành phố xuất phát điểm từ tăng trưởng âm, đến tháng 2 vẫn âm nhưng tổng thể cả năm 2022 dự kiến IIP của toàn thành phố tăng hơn 17%.

Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công năm 2022, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng; gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương 34.984,033 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước tại TP.HCM cung cấp, cho thấy tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố đã giải ngân đến ngày 31/10/2022 là 11.418,639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao. Tính đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31/01/2023), Thành phố dự kiến giải ngân vốn là 28.753,707 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Năm 2023, dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch đầu tư công cho TP.HCM khoảng 55.000 tỷ đồng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của TP.HCM là Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn các dự án bố trí nhiều vốn nhưng không giải ngân hết, không có khả năng tiếp tục triển khai. Song song, rà soát và bổ sung vào trung hạn những dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, bảo đảm tính khả thi có thể giải ngân vốn trong năm 2023.

CÒN DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN

TP.HCM còn dư địa phát triển kinh tế, không phải là từ nay đến cuối năm 2022  trong việc nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch mà trong việc xây dựng kế hoạch cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

So với kế hoạch đề ra từ 6 – 6,5% tăng trưởng GRDP cho năm 2022, tính đến nay tốc độ tăng trưởng GRDP đã đạt 9,44% chính là điểm sáng lớn nhất của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Thành phố.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, cần quan tâm đến hai vấn đề đó là điểm nghẽn hấp thụ vốn và tâm lý thị trường trong thời điểm này không được tốt. Và mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng theo ông, không phải không có dư địa để TP.HCM phát triển. “Thế nên, từ nay đến cuối năm cần tập trung ổn định tình hình tài chính ngân hàng, hoạt động thương mại; gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ổn định xăng dầu; tập trung hoàn thiện nghị quyết thay Nghị quyết 54”, TS. Trần Du Lịch đề nghị.

Mục tiêu xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2023, TS. Trần Du lịch đề nghị chính quyền Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, ổn định việc làm, bảo đảm an ninh xã hội, ngăn chặn nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn đặc thù, các nguồn vốn đầu tư thông qua nâng cao trách nhiệm của bộ máy hành chính công các cấp…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cũng lưu ý các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và TP. Thủ Đức không chủ quan, “say sưa” với những thành quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm và nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời, việc gì vượt quá thẩm quyền thì báo ngay cho Thường trực Uỷ ban nhân dân Thành phố xử lý để tránh bị động.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng chỉ rõ việc giải ngân đầu tư công đến giờ này mới được 31% thì từng sở, từng chủ đầu tư, quận, huyện phải rà soát lại nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn từ đây đến cuối năm, nơi nào còn vướng thì phải trực tiếp tháo gỡ. “Vấn đề vướng mắc hiện tại là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây cũng sẽ là chủ đề hành động của năm 2023”, ông Mãi nhấn mạnh.

Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 10 tháng đầu năm, Cục Thống kê TP.HCM đã ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố, đặc biệt là xuất khẩu.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 40,83 tỷ USD, tăng 13,4% so cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 38,98 tỷ USD, tăng 12,7%.

Đứng đầu trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,6%.


Xuân Thái

Theo VnEconomy



undefined