chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu sau quyết định dồn dập của Ngân hàng Nhà nước
12:00 | 04/04/2023
Chỉ trong vòng nửa tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại theo đó cũng dồn dập giảm theo.
Sáng ngày 3/4, Ngân hàng Bản Việt tiếp tục thông báo điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn với mức giảm từ 0,2%/năm đến 1%/năm so với mức lãi suất vừa công bố từ ngày 20/3/2023.
Theo đó, mức điều chỉnh này chủ yếu giảm nhiều tại các kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng, mức lãi suất tối đa áp dụng 4,7%/năm. Các kỳ hạn còn lại mức lãi suất cao nhất 8,7%/năm. Riêng đối với kỳ hạn từ 36 tháng - 60 tháng, mức lãi suất niêm yết cao nhất 8,8%/năm. Đối với tiền gửi không kỳ hạn, mức lãi suất hiện áp dụng 0,2%/năm.
Đây là lần giảm lãi suất mạnh nhất trong 5 lần giảm lãi suất tiền gửi từ đầu năm 2023 đến nay của ngân hàng.
Tương tự, NamABank cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động mới với việc giảm khá mạnh so với mức niêm yết trước đó. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 tuần hiện chỉ còn 0,5%/năm so với mức 1% hồi đầu tháng 3. Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện ở mức 5,5%/năm theo quy định.
Đối với các kỳ hạn dài hạn, lãi suất gửi online cao nhất tại Nam A Bank hiện chỉ còn 8,1%/năm so với mức 8,8% niêm yết 1 tháng trước.
Với Sacombank, lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn dưới 6 tháng hiện đã giảm về 5,4% - 5,5%/năm; kỳ hạn 6 - 8 tháng là 7,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 7,8%. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện chỉ còn 8,2% cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.
Tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất huy động hiện vẫn ở mức thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung khi lãi suất không kỳ hạn chỉ còn 0,1%/năm tại Vietcombank, VietinBank, BIDV và 0,5%/năm tại Agribank.
Tại kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất niêm yết chỉ còn 4,9%/năm, các kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5,4%/năm, thấp hơn so với trần lãi suất. Lãi suất gửi cao nhất tại 4 ngân hàng này là 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tín hiệu lãi suất huy động tại các nhà băng liên tục giảm như trên đi cùng với quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp trong vòng nửa tháng qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có hiệu lực từ ngày 3/4.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Đồng thời, NHNN cũng giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm.
Ngoài ra, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô cũng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, NHNN luôn điều hành để mặt bằng lãi suất giảm, đồng thời, vận động các NHTM cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Trên cơ sở các yếu tố vĩ mô trong nước cũng như việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã giảm tốc quá trình thắt chặt tiền tệ, NHNN xem xét giảm thêm một số lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, tới thời điểm hiện tại, đã có 24 ngân hàng tiến hành giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, là mức khá thấp so với mức tăng trưởng cùng thời điểm các năm trước.
Theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, việc xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Các ngân hàng khó đẩy tín dụng ra mặc dù thanh khoản hệ thống dư thừa rất lớn. Điều này được thể hiện ở số dư tiền gửi tại các ngân hàng rất lớn kéo dài từ tháng 2 đến nay, trong khi lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh, hiện chỉ quanh ngưỡng 0,7%-1,2%/năm cho kỳ hạn qua đêm.
“Thực tế các ngân hàng rất mong muốn tăng trưởng tín dụng nhưng đầu ra rất khó khăn”, lãnh đạo NHNN cho biết.