chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Mục tiêu tăng trưởng 6,5%: Thúc giải ngân 700 ngàn tỷ đồng, không dễ
12:00 | 07/04/2023
Trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, quý 1 tăng trưởng thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế -xã hội năm 2023, ở mức 6-6,5%. Theo các chuyên gia, nếu muốn đạt mức tăng trưởng này, 3 quý còn lại của năm, đầu tư công phải đột phá. Dự kiến khối lượng cần giải ngân lên đến 700 ngàn tỷ đồng là một thách thức không nhỏ. .
GDP tăng 6,5% là thách thức không nhỏ
Quý 1 vừa qua, tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu. Nhiều đầu kéo quan trọng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, FDI đi lùi. Trong lúc này, đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng chính.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% như Quốc hội đề ra, ngay từ quý 1/2023, tăng trưởng phải đạt 5,6%. Tuy nhiên, thực tế quý đầu năm tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ đạt 3,3%. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng, 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
Bộ KH&ĐT cũng cập nhật dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế- xã hội năm 2023, ở mức 6-6,5% và đề xuất chọn mức 6,5%, nhưng đồng thời thừa nhận, đây là thách thức lớn. Để đạt được, tăng trưởng kinh tế quý 2 phải đạt 6,7%, quý 3 và quý 4 lần lượt là 7,5% và 7,9%. “Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra rằng, để đạt mục tiêu kinh tế tăng 6,5%, phải có sự đột phá đầu tiên nằm ở đầu tư công. “Năm 2023, khối lượng vốn dành cho đầu tư công cần giải ngân rất lớn, hơn 700 nghìn tỷ đồng, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh từ tháng 1/2023. Nếu giải ngân hết, đầu tư công sẽ đóng góp khoảng 1% GDP. Ngược lại, nếu không đạt được kết quả này, khó đạt mức tăng trưởng 6,5%”, ông Cường phân tích.
Bên cạnh đó, việc chuyển hướng chính sách của Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng, có thể hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng. Vừa qua, trong chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất 2 lần. Theo ông Cường, dư địa cho Việt Nam chuyển dịch chính sách tiền tệ là lạm phát, sức ép tỷ giá giảm. Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định, việc chuyển hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam là đúng đắn.
Giải ngân 700 nghìn tỷ đồng: Khó đủ bề
Quý 1/2023, khối lượng thực hiện đầu tư công quý I/2023 đạt trên 91,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Bà Phí Thị Hương Nga , Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhận định, đầu tư công là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 1 đạt 3,32%.
Để giải ngân đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, bà Nga cho rằng, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng... “Một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng. Cũng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công”, bà Nga đề xuất.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) bày tỏ lo ngại, giải ngân hơn 700 nghìn tỷ đồng đầu tư công trong năm 2023 là điều không dễ dàng, do vướng quy định về định giá, đầu tư, PPP... Ông Việt nhận định: “Trong bối cảnh rà soát tiêu cực bộc lộ nhiều vùng xám, nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không dám tham gia đầu tư công, bởi họ không chắc chắn vào cơ chế, lúc này có thể đúng, nhưng sau lại thành sai. Tâm lý của nhiều người đang là thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Thay vào đó, ông Việt nhấn mạnh cần dồn lực thực hiện tốt gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng bằng cách rà soát những vấn đề không khả thi, xem xét hỗ trợ điều chỉnh lại.
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế quốc dân) cũng đánh giá giải ngân đầu tư công chưa thoát được những “nút thắt”. Với tình hình hiện nay, ông Lạng nhấn mạnh, giải pháp điều hành phải quyết liệt hơn trước. Các giải pháp hiện nay rất bao trùm, chỉ cần thực hiện tốt, sẽ kích thích tăng trưởng, đặc biệt là các cấu phần của chương trình phục hồi kinh tế.
Điểm lại câu chuyện tăng trưởng quý 1 thấp, ông Lạng cho rằng, một phần nguyên nhân đến từ năng lực điều hành của bộ máy hành chính. “Cơ quan điều hành không nhận diện hết vấn đề, thiếu giải pháp có tính đón đầu, chặn đà suy giảm từ khi tình hình có chiều hướng xấu đi. Công tác dự báo chưa chuẩn, không lường hết những khó khăn hiện hữu”, ông Lạng phân tích.
30 bộ ngành, cơ quan chưa giải ngân vốn đầu tư công
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến hết quý 1/2023, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 10,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, tỷ lệ giải ngân của quý 1 năm nay thấp hơn con số 11,8% của cùng kỳ năm ngoái. 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân được đồng nào. 49 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương giải ngân đạt dưới 9% tổng số vốn cần thực hiện. Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Thủ tướng quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm.
Theo Tiền phong