Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Ngân hàng khởi động năm 2023 chật vật hơn trước

12:00 | 20/02/2023

Khác biệt lớn theo chiều hướng không thuận lợi đã thể hiện với các ngân hàng thương mại. Họ đang khởi động năm 2023 chật vật và thận trọng hơn.

Bối cảnh hoạt động ngân hàng đầu năm ngoái trở nên đáng nhớ: Cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, thế giới bắt đầu xáo động; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đó trở nên “diều hâu” hơn.

Hoạt động ngân hàng tại Việt Nam khi đó cũng rất khác. Phải rất nhiều năm mới có hiện tượng room tín dụng sớm ngột ngạt như đầu năm ngoái. Về vĩ mô, phải ba tháng sau cuộc xung đột trên cùng đà dồn đẩy lãi suất từ Fed mới thực sự kích hoạt tỷ giá nổi sóng (từ tháng 5 và mạnh lên trong tháng 6/2022).

Năm nay, bối cảnh đã có những thay đổi so với quãng khởi động đầu năm ngoái. Tính kế thừa sự chuyển giao của năm 2022 khiến hệ thống ngân hàng chật vật hơn.

Trở lại đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, lãnh đạo khối tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải căng mình. Nếu như năm trước cho vay “bon bon” và phải để dành room tín dụng, thì nay sốt ruột ngược lại.

Tại một NHTM, lãnh đạo chuyên trách phải rà soát tình hình giải ngân hàng ngày của các đơn vị, muốn sớm đẩy nhanh: “Phải “nóng máy” tranh thủ ngay từ đầu năm mới có thể tạo nền trước, bởi tình hình tới đây có thể thay đổi rất nhanh và không loại trừ kịch bản không đạt chỉ tiêu được giao, kể cả tình huống phải chuyển sang phòng thủ nguồn cũng không loại trừ”.

Thực tiễn trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều khách hàng đã nhận được các cuộc gọi từ nhân viên ngân hàng, chào cho vay - điều mà gần như “mất tích” trong nửa sau năm trước.

Một số NHTM đã nhanh chóng triển khai các chương trình kích thích vay vốn với các gói lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5 - 10,5%/năm một cách thực chất, dù trên thị trường đâu đó vẫn có những mức huy động trên 9,5% và thậm chí trên 11%/năm.

Trở ngại cũng nằm ở chính lãi suất. Khởi động năm trước, lãi suất cho vay vẫn còn khá dễ chịu quanh 9%/năm, thậm chí thấp hơn với vay ngắn hạn hoặc được ưu đãi giai đoạn đầu. Nay, các mức lãi vay trên 12% đã phổ biến, thậm chí quanh 15%/năm thực sự trở thành đòn giáng mạnh vào nhu cầu.

Ngược lại, với hoạt động ngân hàng, nếu các nhu cầu vay “bất chấp” lãi suất phải trả rất cao như vậy thì lại cần phải dè chừng, về chất lượng khoản vay và năng lực trả nợ, rủi ro tiềm ẩn…

Vậy nên tăng trưởng tín dụng của hệ thống khởi đầu năm nay đang phải giằng co, chật vật thay vì tăng tốc như trước.

Gần 100.000 tỷ đồng lại “dư thừa”

Ở cân đối vĩ mô, hệ thống ngân hàng đang phải thực hiện điều không mấy mong muốn: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hối hả hút bớt tiền về với những khác biệt.

Khởi động hàng năm trước đây, ít khi thấy NHNN cùng lúc phải mạnh tay như vậy. Một mặt quy mô hút về rất lớn, tới trên 30.000 tỷ đồng mỗi ngày đã quen thuộc; mặt khác thực hiện kỳ hạn “nhốt tiền” kéo dài tới 91 ngày - giãn hẳn thời gian nguồn tiền này trở lại thị trường.

Tổng lượng tiền hút về với trạng thái dư ròng “để kho” ở NHNN đã lên tới quanh 100.000 tỷ đồng, qua số dư tín phiếu đã phát hành.

Mới chỉ cuối năm 2022, khi thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng và lãi suất huy động tăng mạnh, câu hỏi “Tiền đã đi đâu?” còn phảng phất. Nay, như trên, có dấu hiệu “dư thừa”, đúng hơn là chưa thúc đẩy chảy ra thị trường được.

Vì sao?

Trao đổi với người viết, giám đốc khối chuyên trách của một NHTM phân tích, nhiều dòng tiền lớn cùng lúc kích hoạt, trong khi đầu ra còn hạn chế.

Thứ nhất, NHNN vừa mua vào khoảng 3,3 tỷ USD, đồng nghĩa với khoảng 76 nghìn tỷ đồng cung ứng ra thị trường.

Thứ hai, giải ngân đầu tư công trong tháng đầu năm đã bơm ra được khoảng 77 nghìn tỷ đồng của kế hoạch năm 2022 và khoảng 12 nghìn tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2023.

Thứ ba, NHNN thực hiện hỗ trợ nguồn ở trường hợp đặc biệt.

Thứ tư, tiền mặt ngoài thị trường sau mùa cao điểm Tết Nguyên đán đã dồn trở lại hệ thống ngân hàng.

Thứ năm, như trên, tín dụng đầu ra đã không còn “bon bon” như trước, mà lãi suất cho vay tăng cao, quan ngại lãi suất cho vay rút ngắn độ trễ tác động và tiếp tục tăng lên năm nay đã đánh vào nhu cầu.

“Bập bênh” với tỷ giá

“Nhà nghèo vẫn phải ăn kiêng”. Dù áp lực lãi suất tăng và cao nhưng Nhà điều hành vẫn phải hút lượng tiền lớn về như trên, thậm chí đã tính giữ dài hơi hơn qua kỳ hạn tín phiếu lên tới 91 ngày.

Dù tháng 1 mùa cao điểm lạm phát tăng không quá mạnh, cho thấy cầu có xu hướng yếu đi trong nền kinh tế, nhưng lạm phát cơ bản (mang yếu tố tiền tệ) đã tăng cao từ nửa cuối năm 2022 đến nay khiến nhà điều hành chính sách tiền tệ thận trọng hơn.

Thứ nữa, thường trực và đã từng choáng ngợp trong năm vừa qua: áp lực với vấn đề tỷ giá, mà trong đó chênh lệch lãi suất là một trong điểm cân đối.

Tiền có lượng “dư thừa” lớn như trên, thực tế đã đè lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng rơi rất sâu. Từ trên 6%/năm, lãi suất VND các kỳ hạn ngắn qua đêm và 1-2 tuần trên thị trường này qua hai tuần sau Tết đã rơi thẳng về quanh 5%, trong đó lãi suất qua đêm có lúc chỉ còn mấp mé 4%/năm.

Trong khi đó lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng lại ngược chiều, điểm tác động nối tiếp còn tươi mới ở quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vừa qua của Fed. Vậy nên trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam, một lần nữa và không nhiều lần thể hiện, chênh lệch lãi suất VND với USD các kỳ hạn ngắn vừa qua đã có những lúc âm (lãi suất VND thấp hơn).

Diễn biến trên có ảnh hưởng đối với tỷ giá. Tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng lập tức bật trở lại, tăng khá nhanh gần đây. Diễn biến này cũng móc nối giá USD tăng khá mạnh trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cuối tuần qua.

Cũng như đề cập ở tình hình tín dụng ở trên, hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ đang khởi động năm 2023 chật vật hơn trước, theo đó. Tỷ giá đã không còn hậu thuẫn êm đềm như trước, mà đã sớm có hơi hướng áp lực.

Vẫn phải nhìn sang Mỹ. Lúc này hẳn người quan tâm, cả với nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam, đã có những cái nhíu mày khi mà quan điểm, dự báo Fed sẽ trở lại tăng mạnh lãi suất hơn đang hình thành. Cụ thể, đã có những quan điểm, lo ngại cơ quan này có thể trở lại mức độ tăng 50 điểm cơ bản thay vì “mắc kẹt” với mức độ 25 điểm trong lần điều chỉnh vừa qua.

Thị trường chịu ảnh hưởng nhất định bởi tâm lý và kỳ vọng. Dù mới chỉ phảng phất dự báo đó, cuộc họp quyết định của Fed còn phải chờ đến nửa sau tháng 3, nhưng thói quen thị trường vẫn thường có sự phản ánh trước, hoặc xao động trước.

MINH ĐỨC

Theo Bizlive

undefined