Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Ngân hàng trả nợ chính sách kép

12:00 | 07/02/2023

Nợ xấu tăng lên và tốc độ lợi nhuận giảm đi, có một phần trở nên bình thường khi ngân hàng phải trả nợ chính sách kép.

 

Phần lớn bức tranh kết quả hoạt động ngân hàng thương mại năm 2022 đã định hình. Khả quan nhìn chung, nhưng có nhiều thành viên nợ xấu tăng lên và tốc độ lợi nhuận giảm đi.

Cũng đã tròn 10 năm qua nợ xấu và lợi nhuận trên báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ mang tính tương đối, khi có những cơ chế tác động sâu sắc đến các vùng nhận diện.

Điểm xuất phát của dấu mốc 10 năm này bắt đầu từ quý 2/2012 - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Quyết định số 780 cho phép hệ thống được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm (dĩ nhiên với các điều kiện, tiêu chí, đối tượng… đánh giá cụ thể).

Đó cũng là thời điểm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu được đánh giá tổng thể, với mức độ sau này công bố trên 17% thay vì quen thuộc chỉ quanh 3% công bố giai đoạn trước đó. Với tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể quá cao, quá tải đối với năng lực gánh vác và xử lý của các NHTM, cơ chế có điểm xuất phát từ Quyết định 780 nói trên trở thành giải pháp.

Nối tiếp, tháng 3/2014, NHNN có Thông tư số 09 chính thức bổ sung cơ chế cho cơ cấu lại nợ nhưng được giữ nguyên nhóm nợ, một sự chuyển tiếp cho những năm về sau.

Xen trong giai đoạn này, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời. Nợ xấu bán sang VAMC cũng là một cơ chế chính sách tạm hoãn cho hệ thống trong gánh vác và xử lý nợ xấu, nhất là trong giãn trích lập dự phòng rủi ro trong 5 năm cho trái phiếu đặc biệt của VAMC dùng để mua nợ xấu.

Cao điểm của các chính sách trên rơi vào năm 2015, khi toàn hệ thống quyết liệt đưa nợ xấu về mốc 3% như một “cam kết”, quyết tâm thực hiện định hướng của Quốc hội và Chính phủ. Đây cũng là năm cao điểm nợ xấu bán sang VAMC, cũng như thực hiện cơ cấu lại nhưng được giữ nguyên nhóm.

Gọi là cơ chế kép vì trong giai đoạn và cao điểm trên được nhìn đến một chính sách nữa trong Thông tư 36 năm 2014 của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng…; cụ thể ở việc nâng mạnh giới hạn cho phép dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên tới 60%.

Vì sao mức độ đó được chú ý và có thêm xem là “yếu tố kép”? Bởi giới hạn được mở rất rộng, một cánh cửa cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm được mở ra cho nợ thành trung dài hạn. Khi trở thành trung dài hạn thì áp lực được giãn ra cho tương lai xa hơn.

Tương lai cũng chính là điểm mà hệ thống NHTM Việt Nam đã tạm ứng trong 10 năm qua đó, gắn với nợ xấu và lợi nhuận. Nợ xấu thực và mức trích lập dự phòng liên quan, lát cắt trực tiếp đến lợi nhuận, lẽ ra thực hiện ngay nhưng đã được giãn ra cho tương lai qua những cơ chế trên. Vây nên nợ xấu và lợi nhuận của hệ thống suốt thời gian đó có tính tương đối cũng là một cách nói.

Vấn đề nằm ở chỗ, với mức độ nợ xấu trên 17%, hệ thống phải ghi nhận ngay, trích lập ngay thì không có đủ nguồn lực để xử lý và năng lực để ghi nhận, dễ dẫn tới sụp đổ. Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp nếu bị ghi nhận có nợ xấu ngay theo quy định không được vay vốn mới có thể sẽ mất đi cơ hội tồn tại và phục hồi.

Vậy nên các cơ chế trên, cũng như giải pháp VAMC, đã dùng phép “tạm ứng tương lai” cho hệ thống ngân hàng, để rồi lần lượt sau đó kinh tế phục hồi, hệ thống khỏe dần lên và trả nợ cơ chế chính sách, trả dần phần “tạm ứng” đó cho đến nay.

Sau cao điểm năm 2015 nói trên, thực tế hoạt động của các NHTM nói chung dần khởi sắc. Nợ xấu lần lượt được xử lý và thậm chí nhiều thành viên nhanh chóng tất toán toàn bộ nợ bán sang VAMC trước hạn. Đến mốc năm 2020, 5 năm sau cao điểm 2015, lượng lớn trái phiếu VAMC đáo hạn và thống kê khi đó có trên 20 NHTM xử lý gọn.

Như vậy, với phép “tạm ứng tương lai”, cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, trong điều kiện không được dùng ngân sách, toàn hệ thống đã lần lượt xử lý được vấn đề quá tải nợ xấu, vừa từng bước trả nợ chính sách vừa đưa tình hình tài chính thực sự mạnh lên qua áp dụng Basel II, đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật hoạt động cao hơn…

Nhưng rồi đại dịch COVID-19 nổ ra và kéo dài, một lần nữa doanh nghiệp gặp bão và rủi ro nợ xấu nổi lên. Cơ chế như trên một lần nữa được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19, cũng như giảm tải cho hệ thống ngân hàng.

Từ tháng 6/2022, cơ chế cơ cấu lại nợ đó kết thúc. Và đến nay các NHTM dần trả nợ chính sách qua việc ghi nhận lại nợ xấu nếu sau cơ cấu vẫn không hoặc chưa thể hết xấu.

Vấn đề ở đây là, cơ chế cho cơ cấu lại nợ trong năm 2022 không còn một thuận lợi như trước - giãn thành nợ trung dài hạn. Bởi lẽ 2022 cũng là năm toàn hệ thống tiếp tục trả nợ chính sách kép khác là thu hẹp lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, từ 60% trước đây từng bước xuống còn 34% rồi tới đây còn 30% mà thôi.

Như vậy, cùng lúc các NHTM phải trả lại những gì đã tạm ứng trước đây ở cơ chế cơ cấu lại nợ, cũng như giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phải trả về mức thấp. Cùng đó, 2022 cũng là năm đánh dấu trên 30.000 tỷ đồng nợ xấu bán sang VAMC vào năm 2017 lần lượt đáo hạn sau 5 năm, nếu không tốt lên buộc phải ghi nhận chính thức là nợ xấu…

Với những đặc điểm trên, nợ xấu tăng lên, đi cùng với yêu cầu thêm chi phí trích lập dự phòng rủi ro và tốc độ lợi nhuận bị ảnh hưởng. Điều này tập trung hơn từ nửa cuối năm 2022, mà kết quả vừa công bố cho thấy ngay cả những thành viên được đánh giá tốt hàng đầu hệ thống như Vietcombank hay Techcombank cũng phảng phất phần ảnh hưởng.

Dĩ nhiên nợ xấu tăng lên và tốc độ lợi nhuận 2022 có dấu hiệu giảm đi còn gắn với biến động và khó khăn của nền kinh tế. Hay diễn biến lãi suất huy động “tăng nóng” cuối năm qua buộc phải ghi nhận ngay vào chi phí trong khi lãi suất cho vay (tính cho lợi nhuận) phải có độ trễ tăng sau cũng là một yếu tố liên quan cần xem xét.

Ở yếu tố lãi suất này, vấn đề nợ xấu và lợi nhuận ngân hàng năm 2023 dự kiến sẽ có áp lực hơn, khi mà lãi suất huy động và cho vay đã tăng rất cao so với nửa đầu 2022, cao hơn nhiều so với cả trước đại dịch COVID-19. Ngay cả khi đã có “đồng thuận” lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm, nhiều kênh vẫn chuyền tay sổ tiết kiệm có lãi suất trên 10%, trên 11%/năm với con dấu còn tươi mới, mà đi cùng là quan ngại lãi suất cho vay sẽ thực sự tăng cao.

Trong giai đoạn trước, nợ xấu cũng từng nhanh chóng trở nên nóng bỏng sau khi lãi suất cho vay cao ngấm dần vào nền kinh tế…

MINH ĐỨC

Theo Bizlive

undefined