chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Nhiều ngân hàng cán đích lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng
12:00 | 10/11/2022
Phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt, một số thành viên thậm chí đã cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ trong 9 tháng.
3/4 năm tài chính 2022 đã đi qua với rất nhiều khó khăn, thử thách hậu đại dịch COVID-19. Dù vậy, ngành ngành ngân hàng vẫn có kết quả khá khả quan khi phần lớn thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt, một số thành viên thậm chí đã cán đích kế hoạch lợi nhuận năm.
Eximbank là một ví dụ. Báo cáo tài chính quý 3/2022 mới công bố của ngân hàng cho biết, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.181 tỷ đồng, gấp tới 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành vượt xa kế hoạch lợi nhuận cho cả năm đề ra hồi đầu năm là 2.500 tỷ đồng.
Tương tự, sau 9 tháng đầu năm, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 236 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Với con số lợi nhuận kế hoạch đề ra cho cả năm là 194 tỷ đồng, ngân hàng cũng đã hoàn thành vượt kế hoạch cả năm.
Một thành viên khác cũng vừa hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm nay là LienVietPostBank, với việc đạt 4.822 tỷ đồng sau 9 tháng (con số lợi nhuận kế hoạch là 4.800 tỷ đồng).
Nhiều thành viên khác như Vietcapitalbank, PGBank, MB hay ACB cũng đã hoàn thành tới hơn 90% kế hoạch lợi nhuận năm sau 3 quý đầu năm.
Nguồn: BCTC quý 3 của các NHTM, Trần Thúy tổng hợp
Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống với mức lợi nhuận ghi nhận trong 9 tháng đầu năm lên tới 24.940 tỷ đồng, tăng trưởng 29,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 81% kế hoạch năm.
Trong khi đó, nhờ các mảng hoạt động lõi tăng trưởng tích cực đã giúp Techcombank - một đại diện từ khối ngân hàng thương mại tư nhân vượt qua một loạt các “ông lớn” để trở thành ngân hàng đạt lợi nhuận cao thứ 2 hệ thống.
Cụ thể, sau 9 tháng, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 20.800 tỷ đồng, tăng trưởng 21,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 77% kế hoạch năm.
Hai ngân hàng TMCP tư nhân khác là VPBank và MB đang lần lượt chiếm vị trí thứ tư và năm trong bảng xếp hạng lợi nhuận, với con số đạt được lần lượt là 19.837 tỷ đồng (tăng trưởng 69%) và 18.192 tỷ đồng (tăng trưởng 53%).
Với mức lợi nhuận 17.677 tỷ đồng và 15.764 tỷ đồng, BIDV và VietinBank đang đứng ở vị trí thứ sáu và bảy trong top các ngân hàng có lợi nhuận lợi nhất trong 9 tháng đầu năm nay. Dù vậy, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành trên 80% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài ra, trong “câu lạc bộ” trên 10.000 tỷ đồng lợi nhuận 9 tháng đầu năm còn có ACB với 13.503 tỷ đồng, tăng trưởng 50,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận năm. Một “ông lớn” khác là Agribank, dù chưa công bố BCTC quý 3 nhưng cũng đã ghi nhận lợi nhuận 15.268 tỷ đồng lợi nhuận chỉ sau 6 tháng đầu năm, tăng 53,1% so với cùng kỳ.
Thách thức đang đợi quý cuối năm
Mặc dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của ngành có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng theo giới phân tích, các ngân hàng sẽ phải đương đầu rất nhiều thách thức trong những tháng còn lại của năm.
Nguyên nhân là do hạn mức tín dụng không còn nhiều. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 10 đã đạt 11,5%. Như vậy, với hạn mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 là 14%, không gian tín dụng cho 2 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 2,5% trong khi đây lại đang là mùa cao điểm cấp vốn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cuộc đua lãi suất huy động nổi lên từ cuối quý 2 và đang ngày một “nóng” trong hơn một tháng gần đây có thể sẽ là yếu tố chính làm giảm biên lợi nhuận của các ngân hàng giai đoạn cuối năm.
Quan sát cho thấy, các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất đầu ra với các khoản vay bất động sản và vay cá nhân, trong khi với các ngành nghề ưu tiên mức lãi suất tăng ít hơn.
Tuy nhiên, với định hướng ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế mà Ngân hàng Nhà nước đề ra, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh như hiện nay, các ngân hàng thương mại sẽ phải tiết giảm chi phí để hạn chế mức tăng lãi suất cho vay. Theo đó, các nhà băng sẽ buộc phải phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận khá nhiều, bởi đến 80% thu nhập ngân hàng đến từ hoạt động cho vay.
Thêm vào đó, Thông tư 08/2021 quy định về điều chỉnh mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% hiện tại xuống 34% vào đầu tháng 10 cũng có thể khiến chi phí vốn các ngân hàng gia tăng do phải tăng huy động dài hạn khiến chi phí vốn cao hơn.