Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nhiều thách thức với kỷ lục tăng tổng vốn đầu tư công năm 2023

12:00 | 19/12/2022

Năm 2023, Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (tương đương 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022; đồng thời phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Ngày 17/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: "Kinh tế Việt Nam năm 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Trước phiên toàn thể do Thủ tướng trực tiếp chủ trì diễn ra, 4 phiên chuyên đề chuyên biệt về từng lĩnh vực như: Kiến tạo không gian phát triển...; Tài chính - ngân hàng, thị trường vốn; thúc đẩy đầu tư công...; thị trường lao động - việc làm, an sinh xã hội... đã đồng thời được tổ chức với sự chủ trì, tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan Chính phủ cùng các chuyên gia...

Tại phiên hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề: “Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và thúc đẩy thu hút vốn tín dụng xanh, tài chính xanh” - nhiều điểm hạn chế, tồn tại liên quan đến đầu tư công tiếp tục được các diễn giả, chuyên gia lên tiếng...

Năm 2023: Tổng vốn đầu tư công là hơn 700 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại phiên chuyên đề, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, kết quả giải ngân của 11 tháng năm 2022 ước đạt 338.319,81 tỷ đồng, bằng 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây, nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.

Theo đó, đến nay đã đưa vào sử dụng một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2; đang đôn đốc, phấn đấu cơ bản hoàn thành 361 km đường cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây); khởi công xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Phan Thiết…

Tuy nhiên hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa thể xử lý được trong thời gian ngắn như: công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công...

"Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói

Ông Phương thông tin, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (tương đương 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều thách thức với kỷ lục tăng tổng vốn đầu tư công năm 2023 ảnh 2

Toàn cảnh phiên Hội thảo chuyên đề về “Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công".

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong bối cảnh 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn…

Vì vậy, Thứ trưởng Phương cũng nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

“Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt”, ông Phương nói.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

"Đáng ngạc nhiên: Có tiền mà không tiêu được”

Từ góc độ nhà thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nêu một loạt nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công. Trong đó, các nguyên nhân chính có thể kể đến là thủ tục đầu tư và thanh quyết toán các dự án; Khó khăn từ các nhà thầu xây dựng do một số công tác chưa có định mức, thiếu hụt một số định mức đơn giá…

Theo ông Hiệp, từ đầu năm 2022 và tiếp đến cả năm 2023, chủ trương của Chính phủ là tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế. Quyết tâm rất cao của Chính phủ thể hiện rõ là nguồn vốn luôn sẵn sàng, đồng thời luôn đôn đốc quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

"Mặc dù vậy, kế hoạch giải ngân đầu tư công của chúng ta vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT tính đến 30/11/2022 giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 338 nghìn tỷ chỉ đạt 58,33% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch được chuẩn bị là 550 nghìn tỷ. Đây thật sự là một vấn đề đáng ngạc nhiên khi có tiền mà không tiêu được", ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Đại diện VACC nêu lên 2 vấn đề bất cập chính khiến giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn này bị ách tắc khi nguồn vốn đầu tư công đang tập trung giải ngân chủ yếu cho các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Thứ nhất, thủ tục đầu tư và thanh quyết toán của các dự án còn có một số vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ.

Để rút ngắn thời gian và các thủ tục đấu thầu, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì cơ chế chỉ định thầu cho các gói thầu hạ tầng kỹ thuật với quy mô gói thầu khoảng 3.000 - 4.000 tỷ theo đề xuất của Hiệp hội nhà thầu. Về công tác giải phóng mặt bằng và cơ chế thanh toán cũng đã có tiến bộ hơn trong thời gian gần đây nên cũng tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho các nhà thầu.

Tuy nhiên, hiện việc chuẩn bị hồ sơ dự án như khảo sát, thiết kế dự toán … còn sơ sài chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng nên đang là một khó khăn cho việc triển khai. Từ chỗ hồ sơ khảo sát thiết kế chuẩn bị dự án còn sai lệch nên trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có thay đổi, phát sinh.

Do đó, theo ông Hiệp, cần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh hơn nữa khâu chuẩn bị dự án và có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư trong việc ký thanh toán và xử lý phát sinh để tạo điều kiện cho các nhà thầu, ông Hiệp kiến nghị.

Thứ hai, là vấn đề đơn giá, điều liên quan trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng. Bởi theo ông Hiệp, đây là lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công vì vậy nếu các nhà thầu thực hiện được khối lượng lớn tức giải ngân sẽ nhanh.

Ông Hiệp lấy ví dụ, đối với các công tác đã có trong định mức của Bộ Xây dựng nhưng khi áp dụng đơn giá đầu vào, nhân công, máy của địa phương để lập dự toán công trình thì quá thấp so với thực tế doanh nghiệp phải chi trả. Đơn cử, công tác đắp nền đường đơn giá là 16.000 đồng/m3 thực tế phải thuê khoán là 30.000 đồng/m3; công tác đắp cấp phối đá dăm theo định mức dự toán là 35.000đ/m3 giá thực tế thi công là 120.000 đồng/m3... Trong khi đó, đơn giá nhân công cũng hết sức bất hợp lý do các thông số thanh toán dựa trên hệ thống tiền lương cơ bản 2019 nên cho đến nay đơn giá nhân công sai lệch rất lớn so với thực tế.

Từ việc thiếu hụt một số định mức, đơn giá, một số thì bất cập so với thực tế - khiến các nhà thầu đang rất khó khăn. Ông Hiệp lấy ví dụ, có gói thầu khi nhìn đơn giá được duyệt và chi phí thực tế phải triển khai đã thấy chắc sẽ phải lỗ khoảng 40% nhưng không làm thì không có việc cho cán bộ nhân viên.

Mặt khác, hiện nay theo quy định chỉ định thầu - các gói thầu được chỉ định ở giai đoạn 2 đều phải tiết kiệm cắt giảm 5% so với dự toán gói thầu. Đây cũng sẽ là một khó khăn nữa cho các nhà thầu trong việc tính toán chi phí vì bản thân các đơn giá định mức đã thấp và thiếu hụt như vậy nay lại tiết kiệm thêm 5% sẽ là khó chồng thêm khó.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, bởi hai lý do chính trên nên một số công ty xây dựng không muốn tham gia nhận thầu các công trình vốn đầu tư công vì tâm lý e ngại, dù để nhận được được dự án giờ cũng rất khó khăn.

Về giải pháp, Chủ tịch VACC cho rằng để đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, cần có biện pháp giải quyết rốt ráo để đầu ra của vốn ngân sách ở các dự án đầu tư công được lưu thông nhanh chóng.

Trước hết, theo ông Hiệp, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay. Cụ thể là cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý 1/2023 cho kịp triển khai các dự án. Đồng thời bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng.

Tiếp đến, cần phải có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu.

Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, cơ chế liên danh, cơ chế xét thầu phù hợp cho các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn sắp triển khai để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam.

Tuấn Việt

Theo Bizlive

undefined